Nhưng nói cho chính xác, những sính lễ kia đều mang gốc gác chẳng tầm thường…
………………………………
“Vùng núi cao của thần giới có thần tộc tên gọi Bạch Hạc tộc. Ở nơi đó, ai ai cũng biết Hạc Vương đời này vốn am tường y thuật, lại sở hữu tài năng chế tác dược bình thuộc hàng độc tôn tam giới. Dược bình vua hạc làm ra sức chứa gần như vô hạn, chất liệu tạo nên bình đa phần đều là bảo thạch, trân mộc được chế tác sắc sảo, tinh tế vô ngần, không một vết xước nhỏ. Có thể khẳng định bình chứa thuốc do tộc chủ tộc Bạch Hạc gọt đẽo lên hoàn toàn xứng với hai từ bảo vật. Những bảo vật ấy, với kẻ không biết nhìn, thường bị khinh khi là loại hàng thấp kém, nhưng trong mắt kẻ tinh thông đấy chính là vật báu đôi lúc cầu không được.
Mấy vạn năm trước Hạc Vương chế tác nên tám mươi mốt dược bình tuyệt đẹp, làm từ cẩm thạch cực hiếm nơi dãy núi ngăn giữa ma giới và thần giới, ắt hẳn đủ khiến bao kẻ từng tu luyện y thuật khát khao một lần chạm đến. Khi được hầu cận hỏi định dùng những chiếc bình đấy vào việc gì, vua hạc đã mỉm cười trả lời.
– Loại dược bình có một không hai này là quà tặng sinh nhật… sư huynh Tỉnh Vĩ của ta.”
*
* *
“Tận rìa thần giới, qua cả đại dương mênh mông đỏ thẫm là một vùng đất xa xăm, chốn đấy có vị đế vương oai phong, tài hoa, đầy quyền lực và cũng vô cùng đáng sợ. Gã sinh tận năm con trai, tuy mỗi hài tử một tính nhưng đều võ công trác tuyệt, pháp lực phi thường, tự thân điều khiển được cả đất đai, lửa nước, cây cối lẫn kim loại. Thế nhân hay ví năm hoàng tử như năm nguyên tố ngũ hành xoay quanh gã ta, mà có lẽ gã cũng nghĩ thế nên đã tặng năm hài tử mỗi người một bảo ngọc mang tên ứng với ngũ hành, nhằm trợ lực thêm cho khả năng thiên phú. Từng viên bảo ngọc đều có uy lực ngang ngửa pháp khí khuynh đảo đất trời.
Người giữ Kim bảo ngọc là đại hoàng tử tính tình cương quyết nhưng độc đoán, có khả năng biến mọi thứ thành cứng như sắt thép, hoặc hóa sắt thép thành bùn nhão, nếu hắn cầm thêm viên ngọc màu trắng sáng lấp lánh trong tay sẽ làm trăm vạn binh khí của quân thù thành đất cát vô dụng. Mộc bảo ngọc là quà tặng cho nhị hoàng tử – kẻ thẳng thắng nhưng đôi khi nóng vội, hoàng tử này biết khiến chồi non thành đại thụ, hay làm cổ thụ thành cây khô trong nháy mắt, cùng Mộc bảo ngọc, nhị hoàng tử thừa sức hóa cả rừng cây thành hoang tàn héo úa. Tam hoàng tử nhận Thủy bảo ngọc, vị hoàng tử đấy hơi thiếu kiên nhẫn mà lại rất khôn ngoan, hắn điều khiển được nước dâng tràn và khô cạn theo ý mình, nếu cầm Thủy bảo ngọc có thể tạo sóng thần, lũ lụt nhấn chìm cả thành quách. Hoàng tử thứ tư tính cách bốc đồng bù lại trực giác, thấu hiểu rất nhạy, pháp lực nơi hắn là lửa, hắn tạo lửa xanh lục u linh, lửa nóng đỏ, lẫn lửa vô hình, nếu thêm Hỏa bảo ngọc giúp sức, tứ hoàng tử có khi thiêu rụi một lúc trăm dặm đất đai, gọi lửa lấn át cả tường nước. Bốn bảo ngọc trong tay bốn hoàng tử quanh năm suốt tháng trung thành giúp vua cha cai trị giang sơn, giữ yên bờ cõi.
Riêng hoàng tử thứ năm, tính tình nhẫn nại, kiên trì mà có khi rất tự tôn, thành kiến, khó dung hòa cùng cha và các anh, nên từ nhỏ đã sống riêng một mình. Về khả năng, hắn biết dâng đất, mở đường, nóng giận có thể khiến đá vạn tuổi về cát bụi. Thổ bảo ngọc trong tay ngũ hoàng tử là báu vật dời núi, san non, làm đất trổ đá, biến được cả núi cao thành bình địa.
Kim bảo ngọc long lanh, rạng rỡ. Mộc bảo ngọc xanh biếc, lung linh. Thủy bảo ngọc mềm mại, mát lạnh. Hỏa bảo ngọc đỏ rực, sáng ngời. Duy nhất Thổ bảo ngọc hình dạng chẳng khác một viên đá nâu bình thường, chỉ khi ngũ hoàng tử vận pháp thuật mới thấy được uy lực vô song.
Con dân vùng đất đó còn kể lại, trong một lần nóng giận, thê tử của vị đế vương hung bạo kia đã rời bỏ hoàng cung, dẫn theo luôn hoàng tử cuối cùng. Ngày đi, đế hậu ngoài con trai còn mang cả thứ minh chứng cho tình yêu lớn nhất đời mình – đôi hỷ phục mặc trong ngày thành hôn cùng lang quân. Từ đó đế hậu và ngũ hoàng tử bặt vô âm tính, Thổ bảo ngọc cũng biến mất mãi mãi.
Trăm năm sau nơi thần giới, Dược Thần đời trước, trong lần vào rừng, đã vô tình gặp một con hươu sao nhỏ may mắn sống sót qua kiếp nạn đại hồng thủy của Thiên Lộc tộc. Hươu con chẳng còn người thân, chẳng còn gì giá trị, tay chỉ ôm khư khư chiếc hộp đồng mà sau này nó mới kể rằng hộp chứa báu vật mẫu thân một đời gìn giữ. Những thứ trong hộp chưa từng ai thấy qua, ngoại trừ chính hươu nhỏ. Cho tới ngày hươu con khôn lớn, thành gia lập thất, mọi người mới biết được bí mật trong hộp đồng. Nhưng những báu vật làm bao kẻ tò mò vốn chẳng có gì ngoài… một viên đá nâu và một đôi áo hỷ cho ngày đại hôn.”
……………………………………..
Sau đó cuộc sống hôn nhân của Tỉnh Vĩ chính thức bắt đầu…
Những ngày tháng cô lẻ bên ấm thuốc, dược liệu kết thúc nhanh chóng chỉ sau một đêm. Giờ mọi việc thay đổi hết, thay đổi thói quen hằng ngày, thay đổi luôn lịch trình thường nhật. Ngày xưa thảnh thơi mà sống, nay thêm thê tử bụng mang dạ chửa, trách nhiệm đặt nặng lên vai, hươu ngốc thật phải ngàn đường ứng phó.
Trước khi thành hôn, một ngày của Tỉnh Vĩ rất bình lặng, đầu tiên, vừa hừng đông sẽ ra thăm vườn thuốc, tưới nước, bón phân. Mặt trời lên, bọn tiểu tiên học việc đến nghe Tỉnh Vĩ chỉ bảo cách dùng thuốc, bắt mạch, chữa bệnh,… có khi dẫn đi chúng đi hái thuốc phân biệt dược liệu. Từ quá trưa đến chiều tối là khi Dược Thần tìm tòi, nấu các loại thuốc mới, nếu có ai trên Thiên Cung đau ốm hắn sẽ đến xem giúp. Nhưng chuỗi ngày êm ả đã chấm dứt từ hôm qua…
Theo thói quen hắn ra vườn sau xem cây thuốc lúc chân mây ửng hồng. Đang xem vài lá thuốc tốt tươi, nghĩ độ hơn tuần có thể thu hoạch, chợt đâu có bàn chân hồ ly dậm bẹp cây thuốc mới đó còn xanh tươi. Tiếp theo là giọng nói đanh đá chẳng lẫn được vào đâu.
– Đêm qua là tân hôn mà chàng đi đâu?
Nghe thế, Tỉnh Vĩ thoáng ngỡ ngàng, vì rõ ràng cửu vĩ hồ bảo mình đang mang thai, không muốn ngủ cùng tướng công, thế mà giờ trời chưa sáng hẳn đã giở giọng giận hờn.
– Chẳng phải hoàng nữ… à nương tử bảo tôi ra chỗ khác ngủ sao? Thì tôi sang phòng Đường Lệ.
– Cái gì? – Cửu vĩ hồ trừng mắt lên nhìn con hươu ngốc.
– Đường Lệ dọn ra chòi canh thuốc ngoài kia từ lâu rồi từ đây ra đó xa lắm. Em ấy sẽ sống ngoài đó luôn.
– Em bảo chàng ra chỗ khác ngủ chứ không phải sang phòng khác, từ lúc còn là thú cưng cho chàng em đã quen ngủ phải có chàng rồi.
– Thế tôi ngủ ở đâu?
– Tùy chàng ngủ đâu cũng được nhưng không được ngủ chung giường với em từ nay đến lúc em sinh con nhưng cũng không được rời phòng.
Cửu vĩ hồ nói rồi quay lưng bực tức bỏ đi, Tỉnh Vĩ nhìn theo há hốc mồm. Nếu chiều ý Trọng Xuân, chẳng lẽ mười tháng hươu ngốc phải nằm đất. Thế chắc một mình hắn uống hết thuốc chữa phong hàn trong Y Viện mất. May mắn thay, Đường Lệ thương thân sư huynh khờ khạo nên đã phụ con hươu ngốc đóng cái chõng tre để trong phòng dùng tạm vài tháng. Vậy là việc ngủ xem như giải quyết xong.
Tiếp theo đến việc Dược Thần dạy các tiểu tiên y thuật cũng bị ảnh hưởng theo cách khá oái ăm…
Không biết Trọng Xuân nghe ai trêu rằng, khi còn học việc, Tỉnh Vĩ đã rất đào hoa. Từ núi cao ra biển rộng, từ rừng rậm đến đảo xa, hươu sao Tỉnh Vĩ đi hái thuốc đến đâu là gieo hạt ái tình đến đấy, nhân tình trải dài vô số, đếm không xuể, mỗi thần tộc là một người tình. Người ta còn trêu lúc xưa hươu ngốc có cả nhân tình ngay trên Thiên Cung, giờ cửu vĩ hồ có thai rồi, không đủ thời gian kiểm soát, thế nào hắn cũng giở chứng trăng hoa.
Biết chuyện đó, Tỉnh Vĩ vội thề sống thề chết rằng mình hoàn toàn chẳng có nhân tình nào cả, vì nếu có thì đã thành hôn từ lâu chứ đâu phải chờ đến bây giờ. Nhưng Trọng Xuân vẫn một mực cho rằng không có lửa làm sao có khói, nên nàng quyết phải quan sát gắt gao, phòng tướng công rước thêm người tình về.
Từ đấy bọn tiểu tiên cứ tự hỏi thầy chúng có làm lỗi gì chăng mà khi hắn ở phòng nấu thuốc, hồ nữ cứ ngồi nhìn đăm đăm, đi hái thuốc nàng ta cũng đòi theo… Lúc còn ở Hồ tộc, Trọng Xuân cũng đứng ngay sau chăm chú nhìn hươu ngốc nhưng lúc ấy chỉ có hai người, giờ đây cả căn phòng hơn cả mấy chục tiểu tiên, giữa biết bao người, Tỉnh Vĩ thật dễ phân tâm, tiểu tiên bên cạnh cũng lao nhao không tập trung. Cả người dạy và người học đều không tập trung nổi thì làm được việc gì. Đến hái thuốc cũng chẳng yên, bởi thời điểm này, đi hái thuốc cùng đâu phải con thú cưng nhỏ xinh ngày xưa mà là hồ ly Trọng Xuân lẽo đẽo phía sau. Đường núi đường rừng mấy khi bằng phẳng, nương tử lại mang thai, Dược Thần lo sốt cả ruột, chẳng dám đi nhanh, chốc chốc phải canh chừng, nên đi suốt ngày hái chả được bao nhiêu cây cỏ. Trọng Xuân mang thai nặng nề, đi lát lại than mệt, đau chân, Tỉnh Vĩ đâu thể ép thê tử đi nhanh, càng không dám bỏ hồ ly lại giữa rừng núi hoang vu, thế là tất cả mọi người đành ngồi xuống cùng cửu vĩ hồ. Thường đi một ngày hái thuốc có thể đi một mạch đến nơi nhưng nay cứ dăm phút lại ngồi nghỉ, rốt cuộc đi nửa ngày, điểm đến vẫn còn mãi xa tít mù. Thêm cả phần Trọng Xuân thèm chua, thành ra chả biết Dược Thần cùng đồ đệ vào rừng hái thuốc hay hái trái cây, khi về thảo dược không bao nhiêu còn trái cây cứ chất đống, sư nương và tiểu tiên vừa đi vừa ăn.
Biết tình trạng này kéo dài mãi sẽ rắc rối lớn, Tỉnh Vĩ phải van xin cửu vĩ hồ, thề thốt mình không hề có nhân tình. Còn liên tục biện hộ với lý lẽ hắn đâu rảnh rỗi đến lúc nào cũng có dịp đỡ đá hộ người khác rồi lọt vào mắt ai đó cho thê tử sợ chuyện xưa tái diễn. Nghe nói mãi, Trọng Xuân cũng thấy mình bám riết thế thật cản trở tướng công làm việc. Cuối cùng nàng đành chịu ở nhà, còn chuyện nhân tình của chồng sẽ có cách kiểm tra sau.
Những ngày tiếp theo, công việc nấu thuốc, hái thảo dược diễn ra bình thường yên ổn. Nghĩ thế là xong nhưng đời là những chuyện không đoán được…
Lại một ngày trôi qua, hết việc, Tỉnh Vĩ vội về nhà tranh tìm cửu vĩ hồ ngay. Nào ngờ vừa vào đến cửa chưa kịp gọi ai đã thấy một vệt sáng lóe lướt qua đầu làm hắn vội lách người tránh. Thứ sáng loáng ấy là lưỡi kiếm, là… cửu vĩ hồ đang cầm kiếm vung tứ tung. Trường kiếm đó vốn được cất kỹ trong rương mà giờ lại ở ngoài, thực khiến hươu ngốc vừa hoảng hốt vừa lo lắng. Sợ có chuyện không hay, hắn liền lao đến chộp tay Trọng Xuân lấy lại thanh kiếm. May mà hồ ly không giỏi dùng pháp khí này nên lấy về không khó.
– Chàng cũng biết võ công à? – Hồ nữ ngạc nhiên hỏi.
– Chỉ biết nhiêu đó thôi, đủ phòng thân. Nhưng sao nàng tìm được trường kiếm này?
– Em ở nhà buồn, lục lọi đồ của chàng một chút. Sao hoảng hốt thế, có gì định giấu em sao?
Đúng là Tỉnh Vĩ đang rất hoảng, hoảng vì trước mắt ngổn ngang bao nhiêu thứ nằm ngã nghiêng. Đồ mới đồ cũ từ thời còn trẻ con đến bây giờ, có thứ đã giấu từ lâu hứa với lòng vĩnh viễn không lấy ra nữa thế mà bị phơi bày hết. Mấy bộ đồ sư mẫu may cho, đồ chơi lúc còn bé, ghi chép y thuật lúc thiếu thời, vật kỷ niệm trải dài ra từ cửa vào bếp, tưởng sắp đem bán được.
Chẳng là cửu vĩ hồ lúc còn làm thú cưng đã tò mò mớ đồ đạc này, nhưng sợ người thương nghi ngờ, đành phải kìm nén dặn lòng không quậy phá. Còn nay danh chính ngôn thuận rồi nên tha hồ lục lọi, thêm ở nhà buồn chán nên mới tìm chuyện làm cho thời gian trôi nhanh hơn.
Dược Thần vội vội vàng vàng gom đồ đạc bị bày bừa tứ tung, nhưng miệng vẫn không hề trách cửu vĩ hồ nghịch ngợm. Hắn tự suy luận ở nhà một mình vò võ làm sao tránh được buồn tay buồn chân, nhất là hồ ly đã quen táy máy.
– Thanh kiếm này của Long tộc phải không? Còn là hắc long, thần tộc này danh giá lắm, sao chàng lại có kiếm này? Ai tặng thế? Con cái nhà ai? Sao lại tặng chàng báu vật? – Trọng Xuân hỏi như tra khảo.
Hóa ra người trước kia trêu Trọng Xuân chuyện hươu ngốc đa tình, nay mới bồi thêm rằng trong số nhân tình năm xưa, Tỉnh Vĩ yêu nhất một hắc long, mấy vạn năm hắn không lấy ai vì chờ hắc long. Nghe xong, cửu vĩ hồ làm gì cũng nhớ về lời ấy, bồn chồn không yên. Nay tình cờ tìm được giữa đống hỗn độn trong rương vài thứ có ấn ký của Long tộc, vậy là lửa ghen gặp đúng chiều gió mà bùng dữ dội.
Tỉnh Vĩ thở dài bảo.
– Tôi chữa bệnh cho người ta, người ta tặng đền ơn thôi.
– Tặng cả nhạc phổ? Chàng chơi nhạc à? Hình như cũng từ Long tộc?
– Không…! Cũng người ta tặng lúc tôi chữa bệnh. – Tỉnh Vĩ nói mà mắt giật giật liên hồi.
– Chàng thân thiết với Long tộc lắm nhỉ? Nhất là hắc long.
– Đâu… đâu… có… oan.. oan cho tôi quá.
Hươu sao giật ngay mấy cuốn nhạc phổ lại, miệng giải thích đủ lời, mặt nóng bừng, mắt giật mãi không ngừng nổi. Trọng Xuân nhìn thấy lang quân như thế cũng chỉ gật gù, cười cười qua chuyện.
Ngỡ nương tử tin rồi, hắn ôm đống đồ định quay đi bỏ vào rương thì thấy cửu vĩ hồ cầm vài mảnh giấy gì đó, miệng đọc thật to.
– Tảo dĩ, hoa cỏ mãn khai.
Triều dâng hay đấy lòng ai cồn cào.
Ta say sắc…
Tỉnh Vĩ thất kinh quẳng hết đống đồ nhanh như chớp đoạt lấy mấy mảnh giấy.
– Tướng công em biết làm cả thơ tình cơ đấy, em đã đọc hết từ trưa rồi, còn mấy trăm bài đây này. – Giọng nói đầy thảo mai làm người ta không khỏi toát mồ hôi ướt áo.
– Tôi tài mọn, ngoài thuốc thang có biết gì thơ phú… Là Đường Lệ… em ấy xinh đẹp lại hay du ngoạn, rồi thư từ qua lại nhiều người. Thôi đây là chuyện riêng tư của sư muội đừng tò mò, đưa tôi mang trả lại.
– Nhưng đây là chữ của chàng mà?
– Ờ! Vì… vì chữ tôi đẹp hơn nên em ấy đọc nhờ tôi viết thư hồi đáp hộ, nhưng tình đến rồi đi, người ta trả lại kỷ vật em ấy mới quẳng vào rương, không tin tôi dẫn nàng đi gặp Đường Lệ. – Không biết vì cớ gì mắt Dược Thần cứ giật chẳng kiểm soát được, giọng ấp úng, tay chân bắt đầu lọng cọng.
Bỗng Đường Lệ từ ngoài chạy vào nói.
– Anh Tỉnh Vĩ! Bách Triều…
Vừa nói đến đây đã thấy cặp mắt hồ ly sáng quắc nên tia nắng nhỏ đành im tiếng.
– Bách Triều là ai? Người quen của chàng à? – Trọng Xuân gằn giọng ngay.
– Không phải… là cỏ… cỏ thôi. Không tin thì đi theo tôi. Sư muội chỉ về bảo thảo dược sắp trổ hoa.
Hai người ngán ngẩm đành dẫn hồ ly đi ra nơi trồng thuốc kiểm tra. Thuốc trồng sau vườn chỉ là một phần nhỏ, đa phần thuốc trồng ở nơi khá xa, cả Y Viện thỉnh thoảng chia nhau ra canh vào ngày mưa gió. Đường đi xa, Trọng Xuân giận dỗi bảo muốn đưa ra đó thì Tỉnh Vĩ phải cõng. Đời Dược Thần từng cõng đá, cõng Hồ Vương nhưng chưa bao giờ phải cõng xa tới vậy, lần này thật mệt như gánh cả bầu trời. Đến nơi, cả đám cỏ xanh um đang trổ nụ hoa đỏ, dáng cỏ nhấp nhô giống hệt trăm con sóng sinh ra từ đất, đập ngay vào mắt Trọng Xuân.
– Thảo dược này từ Long tộc mà ra phải không? – Cửu vĩ hồ hỏi ngay lập tức.
– Chị cũng biết thảo dược sao? Đúng thật là từ Long tộc? – Đường Lệ vô tư trả lời mà không thấy sư huynh đang xua tay dữ dội.
– Tướng công em gắn bó với Long tộc thật, người ta tặng kiếm, tặng cầm phổ, tặng cả thảo dược – Trọng Xuân nắm tai Tỉnh Vĩ véo mạnh – Nói mau, nhân tình nào của chàng tặng.
– Không phải nhân tình tặng thật mà, toàn quà từ những người được ta giúp đỡ tặng, tôi chỉ là con hươu cụt sừng, mặt mày đen đúa, thân phận thấp hèn thì sao có nhân tình Long tộc được. Tôi sẽ có cách cho nàng tin.
Hôm sau, Tỉnh Vĩ cuối cùng cũng tìm được những tiên hữu đã trêu Trọng Xuân, để nhờ họ giải thích hộ mình. Thương con hươu ngốc nghếch, thêm thấy trót đùa hơi lố, mấy tiên hữu đó mới nói thật rằng trước giờ chỉ đùa giỡn. Họ cũng bảo với hồ nữ, người như Tỉnh Vĩ có năn nỉ cũng chẳng ai đến tìm, nói gì nhân tình hay đào hoa rợp trời. Vì thấy cửu vĩ hồ bám Dược Thần mãi không buông nên họ chọc cho vui, nào ngờ nàng lại tin thật, thậm chí nhắm vào cả Long tộc. Chúng tiên hữu còn khuyên Trọng Xuân đừng ghen tuông hay sợ mất tướng công, bởi nàng xinh đẹp, cao sang đến thế, Tỉnh Vĩ chẳng sợ mất thì thôi, cớ chi phải lo người ta bỏ mình. Chưa kể Tỉnh Vĩ từ nhỏ luôn ăn ngủ bên ấm thuốc, mãi rồi thành khô khan như thuốc, làm sao biết thơ phú, cầm ca bay bổng như công tử hào hoa, lấy đâu ra người tình.
Đường Lệ cũng nhất quyết gật đầu thề mấy bài thơ đều là của mình làm rồi nhờ sư huynh viết lại, còn những thứ khác toàn người được cứu chữa tặng báo ơn hươu ngốc. Tiên nữ cũng khẳng định trước giờ sư huynh mình chưa hề yêu ai ngoài cửu vĩ hồ.
Bị bao nhiêu người trêu chọc, cười nhạo mình mù quáng, Trọng Xuân cũng ngẫm lại, rồi thấy quả nàng đã lo chuyện không bao giờ có. Tướng công nàng không hẳn xấu trai, tính tình không tệ nhưng khờ khạo, đôi lúc ngốc nghếch thái quá, kiểu người vậy để có nhiều người tình thì quả hơi khó nếu không nói khó như dời non lấp biển. Hồ nữ giờ mới hỏi lòng, chẳng hiểu sao bản thân tự dưng ghen tuông đến quên mất rằng hậu duệ Long tộc toàn thân thần tướng chinh chiến vạn kiếp, Tỉnh Vĩ quanh quẩn mấy cây thảo dược ấm thuốc, hai bên như sao trời với cỏ dại, muôn đời chẳng có dịp gặp thì yêu đương chi được mà nàng lo.
Nhìn vào gương, nàng thấy mình vạn phần quyến rũ, cốt cách quyền quý. Nhớ thời xoan rỗi, bao nhiêu nam nhân tuấn tú, oai phong xếp hàng dài ngoài động hồ ly mong diện kiến mặt ngọc. Thế mà gặp Tỉnh Vĩ rồi, nàng lại quên hết tự hào, kiêu hãnh ngày xưa để về làm thú cưng, đi hái hoa mua vui cho hắn, gài bẫy cho hắn lấy mình, còn ghen tuông vô lối. Lấy được hồ ly cao quý, với con hươu ngơ ngác kia chính là hưởng thiên phúc, hắn phải giữ nàng, chứ cớ gì nàng phải giữ rịt hắn. Nghĩ đến đấy Trọng Xuân bỏ luôn ý nghĩ theo dõi tướng công, cũng chẳng lo hươu sao nhà mình léng phéng cùng ai, chẳng thèm lục tung đồ đạc trong nhà nữa, cứ rong ruổi đi chơi khắp Thiên Cung. Rồi chẳng mấy chốc nàng đã phát hiện ra thú vui mới…
Sau dạo ấy cửu vĩ hồ chỉ tập trung vào thú vui tao nhã vừa tìm được: buôn chuyện. Từ đó chúng tiên hữu thường xuyên thấy Trọng Xuân cùng Túc Mễ đi tò mò, buôn chuyện khắp hang cùng ngõ hẻm. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện vừa đều buôn hết, chuyện ai cũng biết. Tỉnh Vĩ dù có bị than phiền vài lần mỗi ngày, nhưng theo hắn, so với việc bị ghen tuông, đây vẫn là hạnh phúc.