Kẻ Trừng Phạt

Chương 32: Chiếc hộp màu đen



Suy đoán này của Văn Nhã khiến tôi vô cùng hồi hộp, vì mối nghi ngờ lại lần nữa chĩa mũi nhọn vào giả thiết người quen gây án.

Không những thế, Văn Nhã lại hỏi một câu khiến tôi tim đập chân run: “Tôi nhớ anh có nói, tối hôm xảy ra vụ tai nạn, anh Điên và Thần Côn đều về lúc mười giờ hai mươi đúng không?”

“Ờ…” Tôi ấp a ấp úng.

“Trả lời tôi, phải hay không phải?” Văn Nhã căn bản không cho tôi thời gian suy nghĩ.

“Phải, nhưng mà…”

“Phải là được rồi, không có nhưng gì hết. Tôi có bảo họ là hung thủ đâu, sao anh cứ cuống lên thế?” Văn Nhã trừng mắt nhìn tôi. Tôi im bặt, trong lòng không biết diễn tả ra sao.

Văn Nhã hạ giọng: “Xin lỗi nhé. Tôi làm việc nhiều khi không để ý đến cảm nhận của người khác.”

Tôi vội đáp: “Không phải tại cô đâu, là tại tôi trước giờ đều không muốn nghi ngờ hai người họ. Nhưng cô nói đúng, là một cảnh sát hình sự, đúng là không nên để tình cảm làm ảnh hưởng.”

“Anh hiểu được là tốt rồi, nghỉ ngơi một chút đi, để tôi nghĩ thêm xem.” Văn Nhã cười, nói.

“Không cần đâu, để tôi phân tích cùng cô, không vấn đề gì cả.” Tôi hít một hơi thật dài để hạ quyết tâm.

“Được!” Nghe tôi nói vậy, Văn Nhã rất vui.

Sau đó, Văn Nhã hỏi tôi để xác nhận lại lần nữa thời gian mấy người trong Tổ trở về vào buổi tối hôm đó, Nhậm Dũng là khoảng mười giờ, anh Điên và Thần Côn thì khoảng mười giờ hai mươi phút.

“Từ chỗ cây xăng đến Đội Cảnh sát hình sự mất khoảng hai mươi phút lái xe, thời gian gửi mấy tin nhắn đó là chín giờ năm mươi phút, giả sử người gửi tin là anh Điên và Thần Côn, sau khi gửi tin xong, họ xuống xe, rồi trở về Đội, thời gian có thừa. Giả sử người gửi tin nhắn là Nhậm Dũng, thì thời gian có hơi gấp…” Văn Nhã phân tích.

Khi cô ấy nói, trong đầu tôi đã hiện ra hình ảnh tuyến đường từ trạm xăng đến Đội Cảnh sát hình sự, tôi tiện tay cầm một cuốn sổ từ trong ngăn bàn của Thần Côn, vừa lấy bút vẽ lên đó vừa nói: “Cô lại đây xem, chỉ cần lúc chín giờ năm mươi xe của Hồ Viễn nằm ở trên đoạn đường giữa cây xăng và Đội Cảnh sát hình sự, Nhậm Dũng sau khi xuồng xe mất khoảng mười phút để chạy về Đội, còn Hồ Viễn mất khoảng mười phút để đến cây xăng, như thế cũng có thể được.”

“Ừ, xét về yếu tố thời gian thì cả ba người họ đều có khả năng. Nhậm Dũng nói đưa bạn gái đi xem phim, anh Điên bảo đến bệnh viện thăm người ốm, còn Thần Côn thì sao, anh ta đi đâu, làm gì?” Văn Nhã hỏi ngay.

Tôi lắc đầu nói không biết, lúc anh ta trở về cũng không nói năng gì cả.

“Người không kể gì thì không biết, nhưng người có kể cũng chưa chắc đã không có vấn đề gì. Liệu có cách nào xác minh lời của anh Điên và Nhậm Dũng không?”

Việc này đúng là hơi khó, vì mốc thời gian đó vốn dĩ đã rất nhạy cảm, chỉ cần thiếu khéo léo một chút sẽ có thể khiến đối phương nghi ngờ, ảnh hưởng đến quan hệ đồng nghiệp.

Tôi nghĩ một lát, quyết định bắt đầu từ Nhậm Dũng. Thứ nhất hỏi việc xem phim sẽ dễ tiếp cận hơn; thứ hai, tôi và Nhậm Dũng cũng không phải quan hệ thân thiết gì, để phục vụ việc phá án, tôi cũng không quan tâm lắm chuyện anh ta có ý kiến gì với tôi không; thứ ba, cũng là quan trọng nhất, theo như suy đoán của chúng tôi, giữa hai người đều có thời gian lên xe và gửi tin nhắn “giúp” Hồ Viễn là Nhậm Dũng và anh Điên, thì rõ ràng Nhậm Dũng đáng nghi nhiều hơn. Tôi nghĩ vậy không phải vì yếu tố tình cảm, mà vì mấy ngày hôm nay Nhậm Dũng hành tung không rõ ràng, càng làm tăng khả năng anh ta có thể thực hiện các vụ án phía sau.

Nghĩ vậy, tôi liền gọi điện cho Nhậm Dũng, sau vài câu nói khách sáo, tôi hỏi: “Anh Dũng này, mấy hôm trước trực ban, anh và bạn gái đi xem phim gì đấy? Lúc mấy giờ vậy nhỉ?… À, là thế này, mấy hôm nay tôi bận bù đầu tối mắt, thấy đầu óc sắp đình công cả rồi, vừa hay tối nay không có đầu mối gì phải đi điều tra, tôi muốn đi xem phim cho thoải mái… Vâng, vâng, cảm ơn anh nhé!”

Dập máy, tôi nói với Văn Nhã: “Rạp chiếu phim Wanda, phim Nếu yêu là ý trời, kết thúc lúc chín rưỡi tối, anh ta đưa bạn gái về nhà rồi mới về Đội.”

“Lúc anh ta trả lời, giọng điệu thế nào?” Văn Nhã vừa hỏi vừa lấy điện thoại ra, tôi đoán cô ấy đang xác nhận lại thời gian chiếu bộ phim đó có chính xác không.

“Rất tự nhiên, chẳng có gì bất thường cả.” Tôi nói thật.

Lúc này, Văn Nhã đưa điện thoại cho tôi, tôi thấy trên trang chủ của rạp chiếu phim hiển thị bộ phim này công chiếu vào khoảng một tuần trước, hiện tại vẫn đang trong thời gian “hot”. Nhưng thời gian chiếu phim trong ngày Hồ Viễn xảy ra tai nạn giờ đã không thể tra cứu trực tiếp được nữa rồi, nếu muốn xác nhận thì phải đến rạp một chuyến.

“Tố chất tâm lí của hung thủ tốt như thế, kể cả Nhậm Dũng có là hung thủ đi chăng nữa, cũng không thể để lộ vì một chi tiết nhỏ như thế này đâu.”

“Ừ, nhưng vẫn phải đợi xác nhận lại với bên rạp chiếu phim rồi bàn tiếp.” Tôi thở dài bất lực.

“Dù sao cũng dính dáng đến người nội bộ, trước khi có những chứng cứ xác đáng, thì không thể làm ầm lên được, hai chúng ta cứ im lặng điều tra là được rồi.” Văn Nhã hạ giọng.

“Ừ, với anh Điên và Thần Côn thì đừng gọi vội, đợi có cơ hội thích hợp rồi hỏi dò sau.” Vừa nói, tôi vừa bỏ cuốn sổ ban nãy lấy ra vẽ tuyến đường vào lại trong ngăn bàn của Thần Côn.

Khi bỏ cuốn sổ, tôi thoáng thấy dưới cùng có một chiếc hộp màu đen, nhất thời tò mò, liền bỏ tất cả đồ bên trên để lấy chiếc hộp ra. Chiếc hộp làm bằng gỗ, trên mặt có ít hoa văn trông rất cũ kĩ.

Văn Nhã thấy vậy cũng tiến lại, chỉ vào chiếc hộp, hỏi: “Trong đấy có gì thế?”

“Không biết, tôi chưa thấy cái hộp này bao giờ.”

“Mở ra xem sao.” Văn Nhã nói.

“Chưa được Thần Côn đồng ý đã tự động lục đồ của người ta, như thế có vẻ không được hay lắm nhỉ?” Tôi hơi do dự.

“Anh xem hộp có khóa không?”

Nghe lời Văn Nhã, tôi thử kiểm tra, thấy nắp hộp lỏng lẻo.

Văn Nhã nhìn thấy, nói: “Nếu đã không khóa, chắc không phải là bí mật cá nhân, xem một chút chắc cũng không sao đâu. Hiện giờ ba người họ đều đáng tình nghi, chúng ta không thể điều tra trực tiếp được, tìm hiểu thêm một số thông tin cũng tốt mà.”

Tôi vốn dĩ đã tò mò về những thứ trong hộp, nghe Văn Nhã nói vậy, liền mở hộp ra xem.

Sau khi mở hộp, một mùi hương bay xộc vào mũi, giống mùi đàn hương. Tôi lần lượt lấy từng thứ trong hộp ra, bên trên có năm cuốn sổ ghi chép, bên dưới là một chiếc khung ảnh, trên bức ảnh trong khung có một người đàn ông và một phụ nữ, người đàn ông đang bế một cô bé chừng một tuổi.

“Xem ra đây là bức ảnh cả gia đình ba người của Thần Côn.” Tôi không quen vợ Thần Côn, nhưng có thể nhận ra người đàn ông trong ảnh chính là anh ta, trông trẻ hơn bây giờ rất nhiều, nụ cười rạng rỡ, lúc bấy giờ Thần Côn nhất định rất hạnh phúc.

“Đáng yêu quá!” Văn Nhà đưa tay vuốt nhẹ lên má cô bé trong bức ảnh.

Nhìn dáng vẻ ngây thơ cùa cô bé, nghĩ đến việc có bé đã sớm lìa trần, người chưa từng gặp như tôi trong lòng cũng thương cảm sâu sắc. Thần Côn là cha cô bé, ai cũng hiểu nỗi đau đó to lớn đến thế nào.

Tôi không muốn nhìn tiếp nữa, lặng lẽ đưa khung ảnh cho Văn Nhã, thì thấy mắt cô ấy đã ngấn nước.

Tôi rút một tờ giấy ăn đưa cho Văn Nhã, cô ấy nói “cảm ơn”, rồi lại đặt khung ảnh vào trong hộp gỗ.

Sau đó, chúng tôi mở năm cuốn sổ ghi chép ra, bên trong là nhật kí của Thần Côn, từ nội dung có thế thấy, đoạn nhật kí đầu tiên viết vào ngày vợ anh ta qua đời, sau đó ngày nào anh ta cũng viết, chưa bao giờ dừng lại, những dòng gần đây nhất viết ngày hôm qua.

Trong nhật kí, Thần Côn kể về cuộc sống hàng ngày của mình, từ công việc đến cuộc sống, từ thời tiết hôm đó, cho đến ba bữa cơm ăn, bất kể mọi chuyện lớn nhỏ, cách xưng hô đa phần dùng “anh – em”, cảm giác như đang trò chuyện với vợ mình.

Tôi xem kĩ mấy đoạn và nhận ra trong những con chữ bình thản lại chất chứa nỗi nhớ mong sâu sắc mà Thần Côn dành cho vợ. Nỗi niềm này nhiều lần khiến Thần Côn chán ghét cuộc sống, chỉ muốn từ bỏ tất cả, nhưng chính trách nhiệm với phụ mẫu đôi bên đã khiến anh ta cố gắng bước tiếp.

Điều khiến tôi cảm động nhất là cuối mỗi đoạn nhật kí đều có một câu giống hệt nhau: “Anh vẫn khỏe, cha mẹ cũng khỏe, anh chỉ rất nhớ hai mẹ con thôi!”

Có tất cả năm cuốn nhật kí, tôi và Văn Nhã chia nhau đọc. Tôi thấy Văn Nhã nước mắt lưng tròng.

“Tội nghiệp Thần Côn.” Giọng Văn Nhã như lạc hẳn đi.

“Ừ, đối với anh ta, cái chết có khi lại là một cách giải thoát.” Tôi cảm khái nói.

Văn Nhã đặt cuốn nhật kí xuống, sắp xếp lại rồi cẩn thận bỏ vào trong hộp.

Tôi bỗng nhiên nhớ ra, ngày nào Thần Côn cũng viết nhật kí, vậy chỉ cần tìm đọc đoạn nhật kí hôm Hồ Viễn xảy ra tai nạn chẳng phải là biết anh ta đã làm gì rồi sao?

Nghĩ vậy, tôi bảo Văn Nhã đợi chút, Văn Nhã nhìn tôi ngờ vực, tôi rút cuốn nhật kí dưới cùng ra, nhanh tay lật đến ngày xảy ra vụ tai nạn, mới biết hôm đó là ngày mất của vợ Thần Côn. Ban ngày anh ta đi làm, buổi tối sau khi ăn cơm xong thì xin phép nghỉ để ra mộ thắp hương.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, Thần Côn quả nhiên không có vấn đề gì. Thần Côn vốn kín đáo, việc đi thắp hương cho vợ con, anh không kể với ai cũng là chuyện thường tình.

Mặc dù, chắc chắn chẳng ai ngốc đến độ viết cả chuyện mình gϊếŧ người vào nhật kí, rồi lại bỏ vào một cái hộp không khóa, nhưng tôi nghĩ một người trọng tình cảm như Thần Côn không thể lấy ngày giỗ của vợ làm cái cớ để thực hiện một sự việc xấu xa được.

Đặt lại chiếc hộp vào ngăn bàn, Văn Nhã nói: “Chúng ta đi thôi.”

“Vẫn còn chưa xem bản ghi chép lời khai của lái xe cơ mà.” Tôi nhắc nhở.

“Tôi giờ đang khó chịu lắm, không tâm trạng nào mà phân tích vụ án đâu, chúng ta cầm bản ghi chép theo, lát nữa rồi xem.”

Lên xe, tôi hỏi Văn Nhã muốn đi đâu, cô ấy nghĩ một lát, nói: “Chẳng phải anh đồng ý mời tôi đi ăn một bữa ngon sao?”

Tôi ngớ người. Đoạn đối thoại trên WeChat lúc nãy chẳng phải chỉ là dựng lại hiện trường sao? Nhưng thấy đôi mắt vẫn còn ngấn nước của cô ấy, lại đổi ý hỏi: “Cô thích ăn gì?”

“Miễn là ngon, cái gì cũng được.”

Cuối cùng, tôi mời Văn Nhã ăn buffet hải sản ở một khách sạn bốn sao trong thành phố. Nào hàu sống, sò huyết, bào ngư, tôm, cua… gần như loại hải sản nào cô ấy cũng lấy một đĩa to, tôi nhìn mà cứ há hốc cả miệng.

Bước từ khách sạn ra, Văn Nhã hơi ngượng ngùng, nói: “Bắt anh phải tốn tiền rồi, lần sau tôi mời nhé.”

Tôi cố ý trêu: “Đồ tự chọn mà, tôi chỉ trả có bằng đấy tiền, cũng chẳng đến mức lãng phí! Chỉ thương cho cái khách sạn này, ai cũng như cô chắc họ lỗ vốn…”

“Ý anh là chê tôi ăn tham hả?” Văn Nhã hai tay chống nạnh, tức giận hỏi.

“Đâu có, ăn được là tốt chứ sao! Dáng cô đẹp thế kia cơ mà! Chả bù cho tôi, uống tí nước vào cũng béo ra, bình thường thấy đồ ngon cũng chẳng dám ăn nhiều.”

“Thế thì giữ quan hệ tốt, sau này anh có gì ngon cứ mang đến đây, tôi giúp anh giải quyết.” Văn Nhã cười nói.

Sau khi lên xe, tôi hỏi cô ấy: “Giờ tâm trạng khá lên chút nào chưa?”

“Ừm, rốt cuộc chỉ có ăn ngon mới giải được nỗi sầu.”

“Thế thì tốt, chúng ta đến bệnh viện thăm Thần Côn nhé!” Tôi đề nghị.

Đợi Văn Nhã gật đầu, tồi liền lái xe thẳng về hướng bệnh viện.

Trên đường, Văn Nhã nói: “Tôi bật đèn xem bản ghi chép, có ảnh hưởng việc lái xe của anh không?”

Tôi trả lời: “Không sao, cô cứ bật đi.”

Văn Nhã bắt đầu xem bản ghi chép lời khai của lái xe.

“Bản ghi chép này không được chính thống cho lắm, không phải theo mẫu truyền thống, mà chỉ là mấy tờ giấy ghi chép cuộc đối thoại, đến cả thông tin danh tính của người lái xe cũng không có. Trước đây anh bảo khả năng phá án của Thần Côn cũng bình thường, giờ thấy thế này đúng là hơi sơ sài quá.” Văn Nhã vừa xem vừa càm ràm bên cạnh.

“Chúng tôi bình thường khi lấy lời khai đều dùng mẫu có sẵn trên máy tính, hôm đó anh Thân từ hiện trường đi thẳng đến bệnh viện, nên chắc là làm không được chuẩn chỉnh lắm, chỉ lấy tạm mấy tờ giấy ghi lại tình hình cụ thể thôi. Hơn nữa bình thường anh ấy rất ít khi tiếp xúc với mấy thứ giấy tờ này, hơi sơ suất cũng có thể hiểu được. Ngoài ra, ở bệnh viện còn có bệnh án của bệnh nhân, trên đó các thông tin cá nhân chi tiết đều có cả, nên chắc Thần Côn không viết vào.”

“Cũng phải, được cái cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm, chủ yếu là xem nội dung lời khai phía sau.” Văn Nhã cũng thản nhiên, nói.

Khi gần tới bệnh viện, Văn Nhã bảo tôi dừng lại một chút. Tôi đỗ xe cẩn thận hỏi có chuyện gì, cô ấy chỉ vào bản ghi chép, nói: “Anh xem câu này đi.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.