Nhị nương cười lạt “Ồ” lên một tiếng.
Lục Tiểu Phụng lạnh lùng nói :
– Vì bây giờ các vị đều biết tại hạ chẳng phải người quân tử.
Thanh Y nữ ni nói :
– Ngươi không phải là giống người.
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Vì thế bất luận việc gì tại hạ cũng có thể làm được.
Nhị nương biến sắc hỏi :
– Ngươi định làm gì lão Thất?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Tại hạ rất muốn buông tha y.
Câu này ngoài sự tiên liệu của mọi người. Nhị nương đổi giọng hỏi :
– Sao bây giờ công tử chưa buông tha y?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Chỉ cần các vị ưng cho hai điều kiện là tại hạ tha cho y liền.
Nhị nương đảo cặp mắt long lên nói :
– Chỉ cần công tử buông tha y thì đừng nói hai điều mà là…
Mụ toan nói mà là hai trăm điều ta cũng ưng thuận.
Nhưng mụ nói dở câu rồi dừng lại.
Tam nương từ nãy tới giờ ngồi lẳng lặng, bỗng lên tiếng :
– Dù là nửa điều kiện bọn ta cũng không chịu.
Thanh âm thị vẫn êm ả, vẫn ôn nhu. Nhưng đến ba chữ sau cùng thị đã ra tay. Có điều thị ra tay chẳng thong thả chút nào.
Tam nương sử dụng một cây roi đen mà roi đen nhảy coi chẳng khác con rắn độc.
Thị vẫn ngồi yên rút cây roi ra đặt xuống bàn.
Cây roi của Tam nương bỗng lướt đi nhanh hơn rắn độc mà cũng tàn độc hơn rắn độc.
Nhị nương không khỏi thất thanh la :
– Coi chừng Thất muội.
Tam nương chẳng lý gì đến lời nói của mụ. Ngọn roi như con rắn độc quấn lấy huyết quản ở cổ Lục Tiểu Phụng.
Nhưng người Lục Tiểu Phụng đã lướt đi đem theo Hồng Y thiếu nữ vọt ra xa tám thước.
Tam nương đột nhiên tung mình lên không nhảy tới vung roi quất xuống. Dường như thị quên luôn Thất muội của thị hiện ở trong tay đối phương. Thị động thủ chẳng úy kỵ gì hết.
Lục Tiểu Phụng tức giận trong lòng, chàng thật không ngờ thị dám ra tay thật sự.
Bây giờ Tam nương đã động thủ, chàng biết đối phó với Hồng Y thiếu nữ bằng cách nào? Nếu chàng giết thiếu nữ này thì nhất định lũ chị em của thị sẽ liều mạng với chàng. Bằng chàng buông tha Hồng Y thiếu nữ thì họ cũng chẳng buông tha chàng. Vì thế chàng chỉ còn cách liều mạng, ngoài ra không còn đường lối nào khác để lựa chọn.
Ngọn roi của Tam nương không để cho Lục Tiểu Phụng còn lối thoát thứ hai. Nhị nương đột nhiên dậm chân nói :
– Được rồi! Chúng ta xông cả vào hãy diệt trừ hắn đi rồi hãy tính.
Âu Dương Tình hỏi :
– Còn Thất muội thì sao?
Nhị nương đáp :
– Hắn mà dám đụng đến một sợi lông của Thất muội là ta băm toàn thân hắn ra từng mảnh.
Hai ba câu này vừa nói ra, ngọn roi của Tam nương đã vụt xuống đến hai chục lần.
Lục Tiểu Phụng buông tiếng thở dài. Chàng không muốn ngó thấy người đổ máu, lại càng không ưa nhìn nữ nhân phải lưu huyết, nhưng lúc này chàng chẳng còn cách nào né tránh được. Ngọn roi quất xuống đã mau lẹ lại tàn độc.
Lục Tiểu Phụng đành phản kích.
Thanh loan đao của Nhị nương cũng đâm tới như ánh ngân hồng. Đao pháp của mụ rất quái dị lại ra tay cực kỳ độc địa. Mụ đã ra tay thì Giang Khinh Hà cũng chẳng thể tụ thủ bàng quan.
Giữa lúc ấy đột nhiên nghe đánh “choang” một tiếng. Một cái chung uống rượu đập vào lưỡi đao của Nhị nương.
Một đôi đũa cũng đột nhiên từ mé bên đưa ra nhẹ nhàng cặp lấy ngọn roi như con rắn độc.
Đó là A Thổ đã ra tay. Tay A Thổ còn cầm đôi đũa.
Tam nương sắc mặt xám xanh trợn lên nhìn gã nói :
– Ta không muốn để ai uy hiếp.
A Thổ đáp :
– Ta biết rồi.
Tam nương nói :
– Nếu ta lọt vào tay hắn thì các vị cũng động thủ tự nhiên đừng úy kỵ gì đến ta.
A Thổ lại đáp :
– Ta biết rồi.
Tam nương hỏi :
– Vậy sao ngươi không để cho ta động thủ?
A Thổ cười đáp :
– Vì người này không phải là quân tử, nhưng cũng là con người.
Tam nương “Ủa” lên một tiếng.
A Thổ nói :
– Ít ra y không chịu dùng Thất muội để làm bia chống đỡ ngăn chặn ngọn roi của cô.
Tam nương ngẫm nghĩ rồi từ từ ngồi xuống không nhúc nhích.
Nhị nương cũng ngồi xuống bóp cổ tay. Thanh loan đao của mụ tuy chưa tuột mất, nhưng cổ tay cũng tê chồn. Mặt mụ không lộ vẻ gì tức giận, dường như mụ rất khâm phục tên khất cái đầy mình ghẻ lở.
Cặp mắt Lục Tiểu Phụng chiếu ra những tia hàn quang.
A Thổ đột nhiên hỏi :
– Phải chăng công tử vừa muốn chúng ta ưng chịu hai điều kiện?
Lục Tiểu Phụng gật đầu.
A Thổ nói :
– Công tử hãy cho nghe điều kiện thứ nhất.
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Nguyên trước ta muốn các vị đưa ta đi gặp Công Tôn đại nương.
A Thổ hỏi :
– Bây giờ thì sao?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Bây giờ thì không cần nữa.
A Thổ hỏi :
– Tại sao vậy?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Vì bây giờ ta đã gặp Công Tôn đại nương rồi.
A Thổ cười hì hì. Tiếng cười của gã rất cổ quái lại dường như tiếng cười của người giả trá.
Lục Tiểu Phụng bất giác thở dài nói :
– Thực ra tại hạ nên biết sớm các hạ là Công Tôn đại nương. Chẳng những tại hạ theo dõi các hạ một ngày, mà trước kia còn gặp các hạ một lần rồi.
A Thổ cười đáp :
– Thực ra không phải chỉ có một lần.
Lục Tiểu Phụng ngạc nhiên hỏi :
– Không phải chỉ một lần ư?
A Thổ đáp :
– Tối hôm ấy ở Tây Viên chúng ta chẳng đã gặp nhau lần thứ hai rồi ư?
Lục Tiểu Phụng càng ngạc nhiên không nhịn được hỏi :
– Chúng ta đã gặp nhau lần thứ nhất ở đâu?
A Thổ không đáp, hỏi lại :
– Công tử còn nhớ Hoắc Hưu không?
Lục Tiểu Phụng dĩ nhiên còn nhớ hắn lắm.
A Thổ nói :
– Hôm ấy công tử ở trong tiểu lâu của Hoắc Hưu đi ra đứng chờ Hoa Mãn Lâu ở chân núi có ngó thấy một người đàn bà hái rau cầm cái giỏ lướt qua trước mặt mình không?
Lục Tiểu Phụng la thất thanh :
– Người đàn bà đó là tôn giá ư?
A Thổ gật đầu.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Hôm ấy tôn giá cũng ở đó hay sao?
A Thổ cười đáp :
– Nếu ta không có ở đó thì sao Hoắc Hưu vẫn bị giam trong cũi cho tới ngày nay?
Lục Tiểu Phụng sửng sốt. Bây giờ chàng đã hiểu rõ tại sao cơ quan dưới thạch đài của Hoắc Hưu mất linh nghiệm. Cái đó tuyệt không phải ngẫu nhiên có con chuột chạy vào cơ quan bị kẹp chết. Trên đời tuyệt không có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên như vậy mà cũng không phải kỳ tích phát sinh đột ngột. Kỳ tích là do người tạo nên.
A Thổ lại nói :
– Ta biết Hoắc Hưu là cáo già. Dù lão có bị công tử đem lão bán cho người mổ heo ta cũng không can thiệp, nhưng lão không nên bán đứng cả Thượng Quan Phi Yến.
Thượng Quan Phi Yến dĩ nhiên cũng là người của mụ.
Lục Tiểu Phụng lại nhớ tới đôi giày đỏ thêu con chim én.
A Thổ lạnh lùng nói :
– Lão giết chị em của ta thì lão chết là đáng kiếp. Bây giờ tuy lão còn sống, nhưng sống như vậy thì lại khổ hơn chết.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Hôm ấy Tuyết nhi cũng nhìn thấy tôn giá ư?
A Thổ mỉm cười đáp :
– Con nhỏ đó thật là giống quỷ sứ. Các vị đi rồi thị lập tức chuồn xuống tra xét mấu chốt cơ quan dưới thạch đài, thị biết dưới đó nhất định có điều cổ quái.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Thị đã gặp tôn giá ư?
A Thổ đáp :
– Thị không gặp ta nhưng ngó thấy ta để lại đôi giày đỏ trong đó.
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười hỏi :
– Vì thế thị mới nhận ra thư thư của thị chưa chết.
A Thổ thở dài nói :
– Dù sao thị cũng là đứa trẻ nít hãy còn ngây thơ. Người chết dưới bàn tay Hoắc Hưu không thể sống lại được.
Lục Tiểu Phụng nói :
– Vì thế tôn giá để Hoắc Hưu sống dành cho thị.
A Thổ đáp :
– Đúng thế. Ta muốn để thị tự mình báo thù.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Tại hạ còn một chỗ nghĩ chưa ra là tại sao tôn giá để bao nhiêu tài sản của Hoắc Hưu lại cho thị hết. Tại hạ nhận thấy tôn giá cũng cần tài bảo.
A Thổ mắt lộ ra những tia kỳ quang đáp :
– Đáng tiếc là thị không lấy được ở tay Hoắc Hưu bao nhiêu đâu.
Lục Tiểu Phụng ra chiều kinh ngạc “Ủa” lên một tiếng.
A Thổ nói :
– Tiền của đó đã lọt vào tay kẻ khác. Bất luật là ai cũng đừng hòng lấy được ở tay người này một lạng bạc.
Lục Tiểu Phụng chau mày hỏi :
– Người đó là ai? Tại sao tài sản kia lại lọt vào tay họ?
A Thổ đưa mục quang nhìn tận đằng xa. Con mắt mụ tựa hồ lộ vẻ khủng khiếp không nói ra được. Đột nhiên mụ hỏi qua vấn đề khác :
– Công tử muốn bọn ta ưng chịu hai điều kiện thì một điều đã nói rồi, còn điều thứ hai là gì?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Tại hạ yêu cầu tôn giá đi theo.
A Thổ cười hỏi :
– Công tử muốn ta đi theo ư? Chẳng lẽ ta lại lọt vào mắt xanh của công tử?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Quả tại hạ có lòng kính ngưỡng tôn giá.
A Thổ cười hỏi :
– Công tử vừa mắt con mụ bán mứt hạt dẻ hay là tên khất cái ghẻ lở?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Tại hạ vừa lòng về một tư cách khác nữa.
A Thổ cặp mắt lấp loáng hỏi :
– Phải chăng công tử nói về tên đại đạo thêu hoa?
Lục Tiểu Phụng gật đầu.
A Thổ hỏi :
– Công tử tưởng ta là tên đại đạo thêu hoa?
Lục Tiểu Phụng hỏi lại :
– Tôn giá không thừa nhận ư?
A Thổ thở dài đáp :
– Xem chừng ta có phủ nhận cũng bằng vô dụng.
Sự thực đã rành rành, chứng cớ lại xác đáng, mụ có phủ nhận dĩ nhiên cũng vô ích.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
– Dù sao tôn giá đã cứu tại hạ, mà tại hạ chẳng phải là con người vong ơn bội nghĩa.
A Thổ lạnh lùng nói :
– Ta biết công tử bất quá là một tên đại bản đãn mà thôi.
Lục Tiểu Phụng lờ đi như không nghe tiếng.
A Thổ lại hỏi :
– Phải chăng bây giờ công tử muốn đưa ta đến chỗ Kim Cửu Linh để hoàn thành vụ án đó?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Tại hạ bảo đảm nhất định tôn giá sẽ được xét xử công bằng hợp lý.
Bỗng nghe đánh “sột” một tiếng. Nhị nương đã cắm thanh loan đao xuống bàn.
Thanh Y nữ ni tay sờ vào lưỡi kiếm nhọn hoắt. Âu Dương Tình miệng cười lạt, Giang Khinh Hà sắc mặt trắng bệch.
Hồng Y thiếu nữ lại cười lớn hỏi :
– Công tử muốn đại thư ta đi theo ư? Phải chăng công tử đang ngủ mơ?
Tiếng cười của thị lúc này không làm cho người ta khoan khoái.
A Thổ chờ thị dứt tiếng cười mới hững hờ nói :
– Không phải y mơ ngủ đâu, ta có thể đi theo y được.
Hồng Y thiếu nữ sửng sốt, mọi người đều ngơ ngác, cả Lục Tiểu Phụng cũng ngạc nhiên.
A Thổ thủng thẳng nói tiếp :
– Ta rất thích người đàn ông có bản lãnh. Đã là nam nhân có bản lãnh chân chính thì bất luận muốn ta đến phương nào ta cũng đi ngay.
Lại có người nổi tiếng cười. Nhưng lần này là tiếng cười của Âu Dương Tình. Thị là người đầu tiên hiểu ý A Thổ. Thị nói :
– Nếu công tử muốn đại thư ta đi theo thì trước hết hãy cho bọn ta coi công tử có đủ bản lãnh không đã.
Lục Tiểu Phụng cười hỏi :
– Bản lãnh của tại hạ có nhiều thứ, không hiểu các vị muốn coi thứ nào?
A Thổ đáp :
– Ta muốn coi ba thứ.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Ba thứ là những gì?
A Thổ nhìn chàng. Cặp mắt mụ tựa hồ thu lại dần dần. Mụ nói :
– Chúng ta đấu ba keo để phân thắng bại. Nếu công tử thắng hai keo là ta chịu đi theo.
Lục Tiểu Phụng mỉm cười hỏi :
– Tỷ đấu ba keo để phân thắng bại ư? Vụ này nghe có vẻ hứng thú lắm.
A Thổ đáp :
– Nhất định là rất hứng thú.
Lục Tiểu Phụng di động mục quang cười hỏi :
– Keo đầu chúng ta tỷ thí chuyện gì, hay là thi uống rượu?
Chàng cho là dĩ nhiên mụ không chịu thi uống rượu. Chỉ có hạng đàn bà ngu xuẩn mới thi uống rượu với đàn ông.
Ai ngờ chàng vừa nói câu này, mụ đáp ngay :
– Hay lắm! Chúng ta thi uống rượu.
Lúc rượu bày lên bàn. Lục Tiểu Phụng mới phát giác ra đề nghị của mình rất là ngu xuẩn.
Hiện giờ chàng đã mệt mỏi như con trâu già mà bụng đói chẳng khác gì con chó sói nhịn đói mấy ngày không được ăn. Lúc này chàng cần được ăn một bát canh gà lớn, nhưng chàng lại đòi thi uống rượu với người.
Uống rượu cũng như làm bất cứ một việc gì khác, trong mình cần có thể lực mà chàng lại không có.
Huống chi lúc này và ở nơi đây dù Công Tôn đại nương có say mèm cũng chẳng việc gì, nhưng chàng không thể say được.
Xung quanh toàn là những người cùng phe với Công Tôn đại nương, đáng lý Lục Tiểu Phụng không nên uống một giọt rượu mới phải, nhưng trên bàn đã bày ra sáu hũ rượu.
Sáu hũ Lư Châu Đại Khúc.
Con người A Thổ bây giờ chẳng còn chút ghẻ nào nữa, đầu mụ cũng không trọc lóc.
Mụ đã thay y phục, mặc một tấm áo bào mềm nhũn. Mặt mụ không tô son điểm phấn coi giống một phụ nhân đứng tuổi thông thường. Phải chăng đây là chân tướng của mụ?
Lục Tiểu Phụng nhìn không ra, đoán cũng không được. Chẳng một ai hay diện mạo chân chính của Công Tôn đại nương như thế nào.
Công Tôn đại nương hóa trang đã mau chóng, cả âm thanh của mụ cũng biến cải một cách dễ dàng.
Lúc này tiếng nói của mụ tỏ ra rất ân cần như chủ nhà tiếp đãi tân khách.
Mụ nhìn Lục Tiểu Phụng mỉm cười ân cần hỏi :
– Sáu hũ rượu này để đôi ta uống, công tử tính đã đủ chưa?
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :
– Tại hạ tưởng cho thêm hai con ngựa uống cũng không hết, có điều đồ nhắm thì thiếu nhiều.
Trên bàn chỉ đặt có một đĩa đồ nguội.
Công Tôn đại nương cười nói :
– Đồ nhắm quả nhiên ít thật, may ở chỗ chúng ta chỉ thi uống rượu chứ không phải thi ăn.
Công Tôn đại nương dĩ nhiên đã biết rõ con người lúc lòng không dạ đói thì tửu lượng phải kém đi phân nửa.
Lúc này ruột gan Lục Tiểu Phụng lép xẹp chẳng khác gì cái túi tiền của kẻ ăn xin.
Chàng vừa uống ba chung rượu vào bụng đã cảm thấy có điều khác lạ. Sáu chung uống vào chàng lại không thấy gì, nhưng lúc uống thêm hai chung chàng không nhịn được nữa muốn cướp lấy rượu mà uống.
Rồi không hiểu vì sao chàng phát giác ra mình buồn nôn tưởng chừng muốn mửa hết ruột gan ra ngoài.
Công Tôn đại nương cười nói :
– Công tử say rồi.
Mụ vẫn còn tỉnh như sáo, cười nói tiếp :
– Thế là công tử thua keo đầu.
Lục Tiểu Phụng muốn phủ nhận nhưng không phủ nhận được. Chàng đành lẩm bẩm :
– Tại hạ chưa thấy mùi rượu chút nào, có điều trong bụng khó chịu một chút mà thôi.
Công Tôn đại nương hỏi :
– Công tử không nhận thua chăng?
Lục Tiểu Phụng đáp :
– Nhận thua thì nhận thua, tưởng chẳng có chi đáng kể.
Dĩ nhiên chẳng có chi đáng kể.
Trong con mắt chàng thì khắp thiên hạ chẳng có việc gì nghiêm trọng. Huống chi đây có thua keo đầu thì còn hai keo nữa.
Nhưng chàng đã quên một điều : Keo đầu thua rồi thì hai keo sau cũng chẳng có hy vọng gì thắng được.
Con người đã say rượu thì chỉ còn một thứ có thể tỷ thí với người khác, tức là thi ngủ. Nhưng Công Tôn đại nương dĩ nhiên không chịu thi ngủ cùng chàng.
Bỗng nghe Công Tôn đại nương nói :
– Keo thứ hai chúng ta tỷ kiếm.
Lục Tiểu Phụng phưỡn ngực ra đáp :
– Tỷ kiếm thì tỷ kiếm chứ có gì đáng ngại?
Công Tôn đại nương nói :
– Hay lắm! Công tử hãy chờ một chút để ta đi thay áo đã.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Tôn giá lại muốn thay áo ư?
Công Tôn đại nương đáp :
– Công tử có điều chưa hiểu. Uống rượu thì mặc quần áo uống rượu. Còn tỷ kiếm thì cũng phải mặc thứ quần áo tỷ kiếm.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
– Tại sao vậy?
Công Tôn đại nương mỉm cười đáp :
– Vì y phục có ảnh hưởng đến tâm tình của con người. Bản tính đàn bà là thích thay đổi y phục.
Lục Tiểu Phụng không thấy đói mà cũng không mệt.
Thông thường rượu đem lại cho người ta một thứ tinh thần và lực lượng kỳ quái.
Nhưng thứ lực lượng này chỉ là lực lượng giả dối. Dù nó không giả dối với người khác thì ít ra cũng giả dối với Lục Tiểu Phụng trong hiện trạng này.
Đột nhiên chàng nhớ tới trên chốn giang hồ người ta thường nhắc đến “Túy Hiệp”.
Theo lời đồn thì hạng người này phải uống rượu mới có bản lãnh. Càng uống nhiều càng có bản lãnh mạnh mẽ. Người ta còn nhớ ngày trước Võ Tòng đả hổ cũng vậy. Y uống một phần rượu mới có một phần bản lãnh, uống mười phần rượu trở nên mười phần bản lãnh.
Lục Tiểu Phụng dường như mười phần đã uống rượu đủ cả mười phần rồi.
Bỗng chàng đầy lòng tự tin, cảm thấy bản lãnh mình cũng lên đến độ chót và tưởng rằng bảy tám con hổ đồng thời nhảy tới, chàng cũng đánh chết hết.
Đáng tiếc đây không phải là chàng đánh hổ mà là đấu kiếm với Công Tôn đại nương.
Những tay cao thủ trong khi quyết chiến động thủ phải đúng bộ vị, ra tay phải tính sát từng ly từng phân không được sai trật chút nào.
Hiện giờ Lục Tiểu Phụng có phán đoán và tính toán chính xác được chăng?
Xem chừng căn nhà này vuông hay tròn chàng cũng không phán đoán được.
Giang Khinh Hà từ nãy tới giờ không nói với chàng nửa câu, nhưng lúc này thị nhìn chàng bằng cặp mắt lộ vẻ đồng tình và lân mẫn, tựa hồ thị thương xót con người sắp chết đến nơi.
Ngoại trừ Tam nương, còn bao nhiêu người đều lộ vẻ ái ngại cho chàng chẳng ít thì nhiều.