“Độc ác được hiểu là sự thiếu hụt khả năng nhận thức về những điều tốt đẹp của thế giới và về nhân tính của tất cả sinh vật trên thế giới.” – Andrew Delbanco
Toàn cảnh về diện mạo của Độc ác
Để biết về độc ác, bạn chỉ cần đứng trên con đường ở Jasper, Texas, vào ngày 7 tháng 6 năm 1998, nơi ba người đàn ông da trắng ngỏ lời cho quá giang một người đàn ông da đen 49 tuổi, James Byrd Jr., đang trên đường về nhà từ một bữa tiệc kỷ niệm. Thay vì chở anh ta đến nơi cần đến, họ đánh, đá, và tra tấn anh chỉ vì màu da, và rồi xịt sơn đen lên mặt anh trước khi trói cổ chân anh vào đuôi xe tải của họ. Họ phóng ga chạy trên một con đường hoang vắng, kéo lê anh gần ba dặm, anh cố gắng ngẩng đầu lên, nhưng da thì bị tróc, xương thì bị gãy, và cùi chỏ thì nát cả. Khi đụng phải một ống cống, đầu và cánh tay phải của anh bị đứt lìa. Những gì còn lại là tấm thân bị vứt trước cửa một nhà thờ cho đến khi được hội người da đen tìm thấy. Trong bộ phim tài liệu của TNT, The Faces of Fear (Những diện mạo của nỗi sợ hãi), Tiến sĩ Molefi Kete Asante của Đại học Temple cho thấy trên con đường vẫn còn hiện diện một số vòng tròn được vẽ ra để đánh dấu 75 chỗ tìm thấy bộ phận cơ thể của Byrd. “Trên con đường này,” Asante nói khẽ, “tôi đang chứng kiến một sự tàn nhẫn vô biên có thể hiện diện trong trái tim con người.”
Để biết về độc ác, bạn chỉ cần nhìn những bộ hài cốt còn sót lại ở tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan, nơi hai máy bay Mỹ bị không tặc khống chế đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người, và nhớ lại những lời của Osama bin Laden: “Chúng tôi không phân biệt giữa người mặc quân phục và thường dân. Trong fatwa (sắc lệnh Hồi giáo) này họ đều là mục tiêu.” Rất nhiều công nhân mới chỉ vừa pha tách cà phê sáng đã phải nhảy ra khỏi cửa sổ để chết, hoặc chỉ chờ đợi cả tòa nhà kì vĩ này sụp đổ lên người họ.
Khái niệm độc ác là một thứ đã rất cổ xưa. Nó có khi lại là một nguyên mẫu trong mỗi chúng ta mà ta không thể diệt trừ tận gốc được. Andrew Delbanco đã nói trong quyển sách của mình, The Death of Satan (Cái chết của Satan), rằng người Mỹ đã mất đi khái niệm về độc ác, và ông bàn về cách ta trở nên dung túng cho rất nhiều hình thức độc ác. Nó càng ngày càng rõ ràng, nhưng ta lại mất đi vốn từ để miêu tả nó, và những lời giải thích chưa bao giờ tồi tệ hơn. Những vụ án về thù ghét, bạo lực, và nhẫn tâm diễn ra không ngừng càng làm sáng tỏ rằng có những người dự định làm điều ác, và chúng ta phải cảnh giác. Các nhà pháp chứng đang cố gắng tìm ra một cách lý giải cụ thể hơn trước tòa, để hệ quả pháp lý được quyết định chính xác.
Một số người rất dễ dàng gọi một hành động là độc ác. Một số khác lại không sử dụng từ ngữ ấy, mà họ lý giải “độc ác” là một triệu chứng của sự mất cân bằng hay rối loạn. Các nhà triết học, nhà thần học, nhà tâm lý học, và cả nhà sinh vật học đều vật lộn với khái niệm một con người không thể cứu vãn, và ngay cả những người dẫn chương trình thảo luận cũng không biết ai là người đáng trách hơn: sát nhân liên hoàn hay kẻ giết những sát nhân liên hoàn. Chúng ta thật sự có thể xác định được tính cách độc ác hình thành thế nào không? Rất nhiều nhà lý luận đã thử, nhưng “câu trả lời” của họ không giải quyết triệt để những hành vi bất lương trong chúng ta. Có thể ta không muốn mất nó, có thể nó phục vụ một nhu cầu nào đó mà ta không nhận ra. Cũng có thể là do việc ta tập trung vào những kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội trong phim Pulp Fiction (Chuyện tào lao) và những người mẹ dìm chết con mình đã làm chệch hướng sự chú ý của ta, khiến những câu chuyện về người thực hiện hành vi tàn ác gây ra một loại kích thích mà ta không có trong nền văn hóa ý thức an toàn hiện nay.
Với sự phân hóa đa dạng của hành vi độc ác và những cố gắng đơn giản hóa chúng thành một lý luận cụ thể về bạo lực, chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề này từ ba góc độ:
1. Sự độc ác hiển nhiên nhất: hành động thù ghét, giết người vì khoái cảm, và sát hại trẻ em
2. Tái thiết lập: kẻ làm điều ác nhìn nhận nó như thế nào
3. Tâm lý học về sự độc ác
Tuy độc ác có rất nhiều hình hài, từ những sát nhân loạn thần kinh nhân cách lặp đi lặp lại tội ác của mình với mức độ tàn nhẫn gia tăng, đến những kẻ giết người vì khoái cảm muốn biết cảm giác cướp đi sinh mạng người khác là như thế nào, nhưng có lẽ không có sự độc ác nào đáng sợ như những hành vi thù ghét bởi một hệ tư tưởng. Một ngày nọ, những quan liêu quyền lực nhất Đảng Quốc xã Nazi gặp mặt để lạnh lùng thực hiện những kế hoạch tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.
Lý giải về chế độ Hitler
Bối cảnh là căn nhà Wannsee xa hoa trong một khu phố bên ngoài Berlin. Những món đồ sứ trang hoàng trên chiếc bàn phủ tấm vải linen và những người hầu mặc đồng phục chờ đợi tiếp những ly rượu thượng hạng nhất cho những vị khách sắp đến. Trong bếp, đầu bếp đang chuẩn bị một bữa trưa buffet thịnh soạn. Mọi thứ phải thật hoàn hảo.
Lần lượt từng chiếc xe hơi và limousine chở những vị khách VIP đỗ lại. Lần lượt từng người một tiến vào đại sảnh trao áo khoác của mình cho quản gia, háo hức mong chờ những gì sẽ diễn ra.
Đó là một buổi sáng mùa đông lạnh, 20 tháng 1 năm 1942. Thủ lĩnh an ninh của Đế chế Thứ ba, Reinhard Heydrich, cho bắt đầu hội nghị. 15 nhà kỹ trị cao cấp nhất sẽ thảo luận về “Giải pháp Cuối cùng”, gồm có Adolph Eichmann, Friedrich Krizinger, và Tiến sĩ Wilhelm Stuckart. Dù kế hoạch tước quyền công dân của người Do Thái trên khắp châu Âu đang được thực hiện, ở một số nơi còn tiến hành diệt chủng, họ vẫn nghĩ đã đến lúc cần một hiệu năng lớn hơn. Vẫn còn rất nhiều người cần phải trừ khử (khoảng 11 triệu) và điều này cần được tiến hành nhanh hơn.
Cuộc họp diễn ra quanh một chiếc bàn hội nghị bên cạnh căn phòng phục vụ bữa trưa thịnh soạn. Cuộc họp rất ngắn, chỉ hơn một giờ đồng hồ. Họ vốn không lưu trữ những gì được bàn bạc nhưng trên thực tế có một người đã ghi chú lại, và từ những ghi chú này mà thế giới đã biết được về những tranh luận máu lạnh, cùng với sự nhiệt tình diễn ra quanh bàn hội nghị, đã dẫn đến một cuộc thảm sát hàng triệu người.
Heydrich cố tình lược bỏ bản chất của cuộc họp bằng cách viết lại những ghi chú đó với giọng điệu trung lập, nhưng khi đã giải mã ra, đại ý rất rõ ràng: Những con người này xuất hiện ở đó để tán thành việc sử dụng trại hành quyết, buồng hơi ngạt, và lò hỏa thiêu. Tại thời điểm ấy, súng đạn và xe chở khí gây ngạt của đội giết người cơ động không đạt hiệu quả và trọng trách đè nặng lên các lãnh đạo. Giải pháp là sử dụng nhiều “trại lao động” hơn, nơi mà người ta chết vì “nguyên do tự nhiên”.
Reinhard Heydrich
Bàn luận trong một cuộc họp chính thức mang ý nghĩa ép buộc người khác làm những việc họ phải làm. Thường ngày người ta đi làm nhưng không cảm thấy mình là một phần của một cỗ máy lớn mà cho rằng sự có mặt của mình chỉ để đảm bảo công việc được thực hiện. Không ai cảm thấy có trách nhiệm với những khởi đầu của công việc, mà chỉ để duy trì và tăng tiến độ. Họ có công việc để làm và họ sẽ làm công việc ấy mà không hỏi han gì cả. Giải pháp cuối cùng phải được quản lý dựa trên sự chính xác và chi tiêu hợp lý. Đó là chính sách của công ty. Là mệnh lệnh. Là luật.
Sau này trong phiên tòa ở Israel, Adolph Eichmann, người đã soạn bài diễn thuyết của Heydrich ngày hôm ấy, được hỏi về hội nghị Wannsee. Ông nói rằng lý do là vì Heydrich muốn tăng sức ảnh hưởng của mình bằng cách khắc sâu suy nghĩ của của mình vào người khác. Để giúp ông thực hiện mục tiêu ấy, Eichmann làm một cuộc khảo sát về “chiến dịch” cho vấn đề “di cư” của người Do thái, đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn. Để đưa chiến dịch lên một bước tiến mới, những khó khăn này phải được giải quyết.
Có một đề xuất rằng ngừng việc cho phép người Do thái di cư, điều này chỉ càng tăng thêm lực lượng quân thù, mà thay vào đó là đưa người Do thái “đến miền đông”, nghĩa là đến các trại tập trung. Những người thể chất khỏe mạnh sẽ bị ép buộc tuân theo một chương trình tên là “Vernichtung durch Arbeit”, hay “làm việc cho đến chết”. Họ sẽ chết vì kiệt sức nhưng trước đó phải lao lực để làm việc. Những người không có khả năng lao động thì bị giết. Heydrich đề xuất một cách thức “thủ tiêu” cụ thể và chuẩn bị báo cáo chi tiết bao nhiêu người sẽ bị “xóa sổ” trong một khoảng thời gian nhất định. Lúc này họ đã có một lịch trình rõ ràng và mỗi người đều có vai trò riêng của mình.
Adolph Eichman
Eichmann mô tả mọi người lúc ấy đều đồng tình và hào hứng. Các bên có mặt đều muốn tham dự, ngay cả những người thường ngày rất do dự và dè dặt. Khi được hỏi ông có cảm thấy khó khăn gì khi tham gia vào việc tước đi sinh mạng của rất nhiều người như vậy không, Eichmann trả lời, “Thành thật mà nói, cũng dễ lắm. Ngôn ngữ của chúng tôi khiến việc đó trở nên rất dễ dàng.”
Chiến dịch của Hitler được hỗ trợ bởi những niềm tin mê tín đã tiến hóa thành một nỗi ám ảnh. Hội Ahnenerbe, một phần của lực lượng SS (Schutzstaffel) những năm giữa 1930 được ủy nhiệm nghiên cứu những di sản tổ tiên của chủng tộc Aryan, đi khắp nơi tìm bằng chứng chứng minh chỉ có một giống loài được định sẽ thống trị thế giới và chiến lược thanh lọc, độc chiếm thế giới của Nazi được các thế lực thần thoại ủng hộ. Họ muốn đưa ra những văn bản khoa học có thể liên kết giữa quá khứ tổ tiên với vận mệnh của họ. Heinrich Himmler xem quân đội của mình như các vị vua và hiệp sĩ Teuton được đầu thai, cụ thể là các hiệp sĩ bàn tròn của vua Arthur. Ông thiết kế cung điện Wewelsburg như cung điện Camelot, nhưng Peter Levendra gọi nó là Satanic Vatican (Vatican Ác quỷ) trong quyển The Unholy Alliance (Liên minh Tội lỗi).
Trong công cuộc thiết lập trật tự thế giới mới, Himmler phái người đi tìm Chén Thánh và mang trở về lâu đài, nơi được coi là trung tâm thế giới lúc bấy giờ. Chén Thánh là chén mà Christ đã dùng để uống rượu vang trong Bữa tiệc cuối cùng. Đáng lẽ ra Joseph xứ Arimathea phải tịch thu Chén Thánh và dùng nó để thu lại máu từ vết thương của Christ khi ngài bị đóng vào thánh giá. Joseph lại mang cái chén đến Anh Quốc để giấu ở một nơi bí mật gọi là Avalon, và nó đã trở thành tham vọng của các hiệp sĩ vua Arthur, họ muốn tìm được nó và khiến nó trở thành trung tâm vạn vật.
Cung điện Wewelsburg
Trên một tầng của cung điện Wewelsburg có một ngôi sao khảm tối màu đánh dấu vị trí trung tâm và tại nơi này những nghi thức bí mật được 12 chỉ huy Nazi thực hiện để triệu hồi linh hồn của những vị vua quá cố. Khi một trong số các chỉ huy này chết đi, tro cốt của họ được chôn dưới sàn như một thánh tích.
Với ý nghĩ được Christ ban phước lành, Nazi tự cho mình cái quyền thực hiện những cuộc thảm sát chống lại những ai “làm ô uế” chúng. Chúng mang nhiệm vụ thiêng liêng và tất cả những gì chúng làm vì mục đích ấy đều không sai. Thế giới xem đó là một trong những điều độc ác nhất được thực hiện bởi loài người, còn những kẻ trong cuộc thì xem đây là một con đường thiêng liêng không thể phủ nhận. Giết đi những người mà chúng cho là thấp kém là điều cần thiết để đạt được vinh quang tối thượng là thanh lọc cả thế giới.
Đáng chú ý còn có Thiên thần Chết chóc của Auschwitz, Josef Mengele. Là thủ lĩnh chiến lược y sinh học của Nazi, hắn nổi lên nhờ những thí nghiệm về biến dị di truyền. Khi đến Auschwitz vào ngày 30 tháng 5 năm 1943, hắn lên nắm quyền kiểm soát khâu “chọn lọc”. Hắn đến nơi vận chuyển tù nhân, ăn mặc rất thanh lịch, và quyết định vận mệnh của mỗi tù nhân chỉ với một ánh nhìn. Hắn đày những ai có khiếm khuyết vào buồng hơi ngạt và chọn lựa những người còn lại để lao động khổ sai hoặc làm nạn nhân cho những thí nghiệm bất chính của mình.
Mengele rất hưởng thụ cương vị đầy quyền uy ấy. Duy trì lý tưởng thanh lọc chủng tộc của Nazi chính là động lực của hắn. Thế nhưng không ai thực sự biết nên trông chờ từ hắn những gì. Ngay cả khi hắn chia cắt gia đình người khác và thoải mái giết người không bị ai trừng phạt, đôi lúc hắn lại biến thành một vị bác sĩ có tâm hoặc tha chết cho một số người một cách khó hiểu.
Josef Mengele
Với tham vọng nâng cao hiệu quả cỗ máy giết người của trại tập trung, hắn đào tạo những bác sĩ khác tiêm phenol cho tù nhân xếp hàng dài, nhanh chóng kết thúc sinh mạng của họ. Hắn cũng bắn người, và có một số nguồn ghi rằng hắn còn ném em bé đang sống vào lò hỏa thiêu. Dù vậy, hắn vẫn giữ thái độ tách biệt,làm việc có hiệu quả và tự coi bản thân là một “nhà khoa học”.
Đam mê lớn của Mengele là nghiên cứu về sinh đôi. Họ được cân, đo chiều cao, và so sánh theo mọi cách. Một số người hắn giết để kiểm tra bệnh lý, mổ xẻ và bảo quản các bộ phận cơ thể. Một số khác hắn phẫu thuật mà không gây mê, cắt bỏ chân tay và bộ phận sinh dục. Nếu một trong hai người sinh đôi chết trong những thí nghiệm ấy, người còn lại cũng chẳng còn giá trị, lúc này họ cũng bị đẩy vào buồng hơi ngạt.
Mặc dù hắn nhắm đến họ với mục đích tàn sát, hắn vẫn chơi đùa với họ và tỏ ra quan tâm. Hắn còn chở họ đến buồng hơi ngạt bằng xe riêng. Sau đó, có thể hắn sẽ cầm cái đầu của họ đi loanh quanh hay dán con mắt của họ lên bảng tin.
Dù những tội ác thực hiện bởi thuộc hạ của chế độ Hitler có thể được “biện hộ” bằng một hệ tư tưởng, nhưng cái quyền được chặt chém và giết hại người khác là một cơ hội quý giá đối với những người như Mengele. Làm thế nào mà ý tưởng làm hại người khác là kích thích họ đến vậy?
Cre: tamlyhoctoipham.com