“Độc ác” tiếp tục với những vụ án giết người vì khoái cảm và cha mẹ giết con.
Giết người vì khoái cảm
Năm 1934, tại Chicago, có một đôi bạn thân Nathan Leopold và Richard Loeb, cả hai đều 19 tuổi, xuất sắc ngoài sức tưởng tượng, có giáo dục và rất giàu có. Loeb tôn thờ quyền lực và Leopold tôn thờ Loeb. Họ có quan hệ tình dục, dù đối với Loeb đó chỉ là cách để điều khiển Leopold và khiến hắn tham gia tội ác của mình.
Theo giáo sư Douglas Linder của Đại học Missouri, Leopold say mê ý kiến của triết học gia người Đức Friedrich Nietzsche cho rằng những người đàn ông địa vị cao không có ranh giới đạo đức. Nietzsche đưa ra giải thiết về Ubermensch sống bằng những luật lệ do chính hắn đề ra (Ubermensch trong tiếng Đức nghĩa là siêu nhân, Nietzsche cho rằng trên đời không có Chúa trời hay thần thánh, mà không có Chúa và thần thì không có điều gì đặt ra đạo đức và chuẩn mực, từ đó ông đề ra khái niệm Ubermensch, một người tự coi mình là thần, tự đưa ra đạo đức và chuẩn mực phù hợp với chỉ bản thân hắn.). Leopold dễ dàng thuyết phục Loeb rằng họ là những cá thể phi thường và cần phải họ minh điều đó bằng cách thực hiện những vụ án hoàn hảo. (Đây không phải những người đầu tiên nảy ra ý tưởng này. Nhà văn người Nga Fyodor Dostoevski trước đó đã đề cập trong quyển Crime and Punishment (Tội ác và Sự trừng phạt), thông qua nhân vật Raskolnikov, kẻ máu lạnh giết chết hai phụ nữ chỉ để họ minh hắn có thể làm được điều ấy mà không nhận lấy hậu quả đạo đức nào.) Theo lời kể của Hal Higdon, tác giả cuốn The Crime of the Century: The Leopold and Loeb Case (Tội ác của Thế kỷ: Vụ án Leopold và Loeb), họ bắt đầu từ gian lận với bạn bè khi chơi bài, trộm đồ trong cửa tiệm, ăn cắp. Hành vi ấy đem lại cho họ khoái cảm, nhưng khi những trò vặt này không được truyền thông chú ý, họ dành ra sáu tháng tỉ mỉ lên kế hoạch cho một phi vụ động trời hơn: bắt cóc và sát hạt một cậu bé.
Vào ngày 21 tháng 5, họ đi lựa chọn nạn nhân. Trong chương trình Born Killers (Sinh ra làm kẻ giết người) của The History Channel, ban đầu họ định ra tay với em trai của Loeb, nhưng lại nghĩ nếu nạn nhân có quan hệ với mình, họ sẽ nhanh chóng bị tình nghi. Vì thế họ quyết định khoanh vùng vào ngôi trường nam sinh mà Leopold từng học, rất nhiều học sinh ở đó biết họ và sẽ không ngần ngại theo họ lên xe. Kế hoạch là bắt lấy một đứa, giết nó, và moi tiền từ ba mẹ đứa bé.
Họ tin rằng mình đã lên kế hoạch một tội ác hoàn hảo và đinh ninh nó sẽ giúp họ tỏ bản thân đến mức họ tập dợt kỹ càng từng chi tiết. Họ liên tục đến địa điểm để quan sát các cậu bé, tìm hiểu từng thói quen và lộ trình. Đối với họ bắt ai không quan trọng. Chỉ cần đó là một người họ có thể dễ dàng điều khiển và công chúng sẽ nháo nhào chú tâm khi họ mất tích. Họ không hề biết rằng tội ác này – vụ giết người vì khoái cảm đầu tiên được biết đến tại Mỹ – sẽ khơi gợi truyền thông quốc tế và thu hút các nhà tâm lý học tội phạm cho đến hàng thập kỷ sau.
Trong khi họ đang quan sát, cậu bé 14 tuổi Bobby Franks tiến lại gần. Họ mời cậu bé lên xe và vì có quen biết, cậu bé liền tuân theo. Chỉ một lúc sau, một người dùng một cái đục đánh cậu, rồi nhét giẻ vào miệng khiến cậu bé ngạt thở. Sau đó họ lái xe đi thật xa để lột quần áo của cậu và tạt acid lên mặt và bộ phận sinh dục để khiến người khác không thể nhận diện được cậu bé. Rồi họ ăn tối trong xe và chờ đến khi mặt trời lặn hẳn. Cuối cùng họ quẳng thi thể trần trụi đã bị chặt từng khúc vào một ống cống nơi Leopold thường đến ngắm chim, rồi trở về nhà gọi điện thoại và viết thư tống tiền đòi 10,000 đô la gửi đến bố mẹ nạn nhân.
Leopold và Leob
Họ cho rằng người khác không thể nào liên hệ vụ án này với mình được. Họ nghĩ sẽ không ai phát hiện thi thể. Với sự ngạo mạn ái kỷ mù quáng ấy, họ tiếp tục kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, vụ án hoàn hảo thường không bao giờ hoàn hảo như tưởng tượng. Thi thể được tìm thấy vào ngày hôm sau và được nhận dạng là cậu bé Bobby Franks bị mất tích. Ở bãi cỏ gần đó, điều tra viên tìm thấy một cặp kính. Chúng không phải kính bình thường. Chúng có bộ khớp bản lề đặc biệt rất dễ dò ra nguồn gốc.
Sau khi cặp kính siêu khác thường tìm thấy gần thi thể Bobby Franks được truy ngược về Leopold, hắn bị bắt về thẩm tra hàng giờ liền. Lời giải thích rất đơn giản: hắn khăng khăng rằng mình ở đó ngắm chim. Khi hắn bị thẩm tra, Loeb cũng bị tình nghi và được đưa về đồn. Nhưng cả hai đều không thừa nhận và phía cảnh sát không có đủ họ cứ để kết tội họ. Họ được trả tự do.
Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ cuộc điều tra. Cũng như trong Crime and Punishment, một thám tử kiên trì cuối cùng cũng ép Raskolnikov nhận tội, tổ đội giết người này cũng có kết cục tương tự. Leopold vẫn giữ im lặng nhưng Loeb bắt đầu đi nói với bạn bè và phóng viên, đưa ra giả thiết về vụ án và còn bảo nếu hắn là thủ phạm, Bobby Franks là nạn nhân hoàn hảo – vì nó đáng bị như vậy.
Cảnh sát tiếp tục điều tra lai lịch hai người, biết rằng người viết thư tống tiền là một người có học thức, và cuối cùng họ cũng tìm được bản nháp của Leopold trùng khớp với lá thư tống tiền. Họ không tìm thấy máy đánh chữ tại nơi ở của hắn, nhưng khi lời nói dối bị lật tẩy, hai kẻ giết người bắt đầu lần lượt khai nhận, nhanh chóng gán tội cho người kia.
Theo lời khai chi tiết đầy máu lạnh, họ tiết lộ vụ giết người nhằm mục đích mua vui cho hai vị học giả đang chán chường. “Đó chỉ là một cuộc thí nghiệm thôi,” Leopold nói. “Cũng đơn giản như khi nhà côn trùng học dùng kim đâm vào con bọ cánh cứng ấy.” Họ chỉ đơn giản là muốn thử khả năng lên kế hoạch và thực thi một vụ án mạng mà không để bị bắt. Không ai tỏ ra hối hận hay nghĩ rằng những gì mình làm là đáng lên án.
Giới truyền thông đưa tin vụ án bắt cóc/giết người này là độc nhất vô nhị trong biên niên sử án mạng của Mỹ. Động cơ không gì khác ngoài thử xem mình có trốn tội được không. Trước đó chưa từng xảy ra điều tương tự.
Tại phiên tòa, một vài bác sĩ tâm lý được triệu tập để “giải thích” hành vi suy đồi này, và ngay cả Sigmund Freud cũng được đề xuất một số tiền không được tiết lộ để phân tích về vụ án (ông đã từ chối), nhưng thẩm phán không lấy làm lay động. Thế nhưng ông cũng không muốn phán hai người đàn ông kia phải chết, nên đã áp đặt mức án tù chung thân. Loeb chết trong tù sau khi bị đâm một nhát chí mạng, còn Leopold được thả tự do sau 33 năm và sống hết quãng đời còn lại ở Puerto Rico.
***
Năm 1924 loại vụ án này rất dị thường, nhưng ngày nay thì không còn như vậy, và những kẻ giết người vì khoái cảm ngày càng trẻ hơn. Ví dụ năm 1993, Robert Thompson và Jon Venables, cả hai đều 10 tuổi, thường đưa cậu bé James Bulger 2 tuổi ra khỏi trung tâm thương mại ở Liverpool, Anh. Chúng chỉ muốn kiếm gì đó để làm, và quyết định thử xem mình có trốn được tội bắt cóc hay không.
Chúng bắt đầu hành động bằng việc tạt sơn xanh lên người James, chọi gạch vào người cậu, và dùng thanh sắt đánh đập. Hai đứa trẻ sau đó khai nhận rằng đã thả đứa bé xuống đường ray, nhưng không chịu thừa nhận những gì vật chứng pháp chứng chỉ ra – chúng đá vào đầu và háng cậu bé, rồi cởi hết quần và đồ lót của cậu để họ vuốt ve mơn trớn. Có suy đoán cho rằng chúng còn nhét cục pin vào hậu môn của cậu bé. Khủng khiếp hơn, cả hai đều nói rằng chúng tiếp tục tấn công vì “cậu bé vẫn còn đứng dậy được”.
Các bác sĩ tâm thần phân tích lời khai cho rằng hai đứa trẻ này không bị tâm thần, chúng hiểu bản chất tội ác và biết rằng điều mình làm là sai. Vì thế, trạng thái tinh thần khi gây án hoàn toàn bình thường. Về bản chất, chúng hành sự với ý thức của người trưởng thành. Nhà bệnh lý học xác nhận các vết thương cho thấy người tấn công có ý đồ bạo lực.
***
Vào ngày 19 tháng 4 năm 1997, Thomas Koskovich, 18 tuổi, và Jayson Vreeland, 17 tuổi, gọi pizza từ một cửa hàng Dunkin Donuts ở Franklin, New Jersey. Họ gọi vài chỗ cho đến khi tìm thấy một chỗ giao hàng tận nơi. Họ yêu cầu hai pizza phô mai giao đến địa chỉ của một ngôi nhà bỏ hoang. Rồi họ đến nơi đó chờ đợi con mồi.
Jeremy Giordano, 22 tuổi, và Giorgio Gallara, 24 tuổi, đến giao hàng. Khi họ đến gần căn nhà, Koskovich và Vreeland bước đến chiếc xe. Gallara, người đang ngồi cầm hộp pizza trên ghế phụ, hạ cửa số xuống và yêu cầu trả tiền. Koskovich lôi ra một khẩu súng lục .45 và bắn bảy phát. Giordano chết do một viên đạn đâm vào tủy sống, còn Gallara bị bắn vào mặt, cánh tay, và vai. Viên đạn chí mạng vào sau đầu được bắn từ súng của Vreeland.
Hai kẻ giết người lục soát người nạn nhân tìm kiếm tiền và cực kỳ khoan khoái với những gì mình đã làm. “Yêu mày quá cơ,” Vreeland nói. Không thể trộm xe giao hàng, họ trở lại xe của mình, thay quần áo, và đến nhà thờ vì Vreeland cảm thấy hối hận – hắn chối bỏ điều này khi khai với cánh sát.
Một người bạn gái cũ đã tố giác họ khi cô biết tin về vụ giết người, cô nhớ ra rằng Koskovich từng nói hắn có kế hoạch làm chuyện tương tự. Hắn muốn gia nhập Mafia hoặc trở thành thành viên của Navy SEAL, và hắn tin rằng giết người có thể giúp hắn đạt được mục tiêu ấy. Còn một nguyên nhân nữa, theo như tổ truy tố, hắn chỉ muốn thử xem có cảm giác thế nào. Trong lời khai nhận, hắn bảo đã phấn khích nói với Vreeland, “Tao không thể tin được mình đã làm điều đó!”
Nhiều người nghĩ rằng giết người vì khoái cảm là bản chất của độc ác, nhưng một số vụ án giữa cha mẹ và con cái cũng không hề kém cạnh.
Cha mẹ nguy hiểm
Mối nguy hại chí tử nhất đối với trẻ em chính là người bố hoặc người mẹ hủy hoại chúng vì mục đích cá nhân. Nguyên mẫu của sự việc này là thần Saturn (hay trong thần thoại Hy Lạp là thần Cronus), người đã ăn thịt tất cả con ruột của mình để đảm bảo họ sẽ không lật đổ mình như cái cách hắn đã lật đổ cha hắn.
Andrea Pia Yates, 36 tuổi, sống ở Houston, Texas, và có năm người con. Vào ngày 20 tháng 6 năm 2001, bà đã giết hết con của mình. Bà dìm chết ba người con trai, lần lượt 2, 3 và 5 tuổi, trong bồn tắm và đặt thi thể lên giường, phủ chăn lên người. Tiếp đến là Mary 6 tháng tuổi, cô con út. Trong khi bà đang thực hiện tội ác khủng khiếp này, người con trai trưởng Noah, 7 tuổi, tình cờ đi vào để xem chuyện gì đang xảy ra. Cậu bé chạy khỏi phòng tắm nhưng Yates rượt theo cậu, lôi cậu trở về bồn tắm, chìm cậu ngay bên cạnh Mary. Bà để mặc cho cậu nổi lềnh bềnh trong bồn, cảnh sát cũng tìm thấy thi thể cậu tại đó.
Đây không phải là hành động nhất thời, Yates thừa nhận đã suy nghĩ về nó khoảng vài tháng. Bà cho là những đứa trẻ không phát triển một cách bình thường và bà là một người mẹ tồi. Khám nghiệm tử thi tìm thấy nhiều vết bầm còn mới cho thấy bốn cậu bé đã bị hành hạ. Yates bị buộc tội mưu sát trẻ em bằng vũ khí chí mạng có ý thức và có chủ đích.
Trong lời bào chữa, bác sĩ tâm lý của bà, Tiến sĩ Gerald Harris, nói rằng bà muốn bị xử tử để bà và Satan đều bị tiêu diệt. Dù bà khai rằng mình vô tội với lý do tâm thần, người ta cho rằng bà không có khả năng hầu tòa. Bà nói rằng Satan đã đến tìm và trò chuyện với mình trong tù.
Andrea Pia Yates
Các bà mẹ có liên quan đến đa số vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến chết người ở Mỹ. Tổ chức Điều tra Bạo hành và Bỏ mặc Trẻ em Quốc gia báo cáo con số cao đến 78%. Họ thường bảo rằng mình là nạn nhân của một loạt các chứng rối loạn từ trầm cảm sau sinh đến căng thẳng hậu chấn thương tâm lý đến bệnh tâm thần, và họ được hỗ trợ bởi những trung tâm sức khỏe tâm thần và tổ chức xã hội. Một số còn đổ lỗi cho xã hội. Yates có đề cập đến những triệu chứng trầm cảm của mình, theo Cheryl Mayer, người đưa ra lý giải về các vụ án tương tự. Không ai chú ý đến những nguy hiểm tiềm tàng. Các bác sĩ phải theo dõi chứng trầm cảm của bệnh nhân. Nếu họ không làm được, họ có lỗi, chứ không phải Yates. “Phụ nữ thường chịu đựng những thay đổi nội tiết có thể dẫn đến tâm trạng bất ổn,” Tiến sĩ Tina Tessina nói với tờ Time. “Thường có một sự mất kết nối nghiêm trọng giữa những gì phụ nữ cảm nhận sau khi sinh con (trầm cảm, mệt mỏi, đau đớn) và những gì phụ nữ cần phải cảm nhận khi đã trở thành mẹ (vui mừng, hân hoan, hết lòng vì con).” Theo bà, điều này có thể tích tụ trong một khoảng thời gian dài không lộ ra ngoài, còn nhà tâm lý học Ann Dunnewold ở Dallas cho rằng những cơn trầm cảm như thế có thể tiến hóa thành bệnh tâm thần ảo giác.
Điều này có nghĩa năm đứa trẻ đã chết và trách nhiệm không thuộc về ai một cách rõ ràng cả. Nhưng không phải tất cả bà mẹ giết con đều có thể đổ lỗi cho các thay đổi nội tiết.
***
Vào ngày 17 tháng 10 năm 1994, Tom Findlay viết một lá thư gửi đến Susan Smith để nói rằng anh không thể tiếp tục mối quan hệ giữa hai người vì anh không muốn chịu trách nhiệm đối với con của người đàn ông khác. Anh cũng đề cập những vấn đề khác, nhưng Smith chỉ chăm chăm vào duy nhất một điều: Nếu cô không có con, anh sẽ ở bên cạnh cô.
Một tuần sau vào ngày 25 tháng 10, vẫn còn chưa hết bàng hoàng, cô đón hai đứa con trai và lái chiếc xe Mazda Protégé của mình hơn một giờ đồng hồ. Cô dừng lại ở hồ John D. Long ở ngoại ô Union, Nam Carolina, và đỗ xe ở bên bờ. Michael, 3 tuổi, và Alex, 14 tháng tuổi, đang nằm ngủ ở ghế sau. Smith ngắt hệ thống với động cơ và cảm nhận chiếc xe đang bắt đầu lăn bánh xuống nước.
Theo lời kể, cô không thể chịu đựng cuộc sống thêm nữa và muốn các con trai của mình lên thiên đường, nhưng người ta tin rằng cô chỉ không thể chấp nhận bị người đàn ông mình yêu bỏ rơi – một người đàn ông đã có gia đình. Cô đã mất đi cha và chồng. Cô không còn cách nào khác ngoài kết thúc mọi việc.
Susan Smith
Nhưng rồi cô phanh lại và ra khỏi xe. Cô muốn chết nhưng phải giết chết hai đứa con trai trước, để đảm bảo chúng đều chết. Cô do dự và rồi với tay vào trong xe thể thả phanh khẩn cấp. Chiếc Mazda vẫn còn sáng đèn lăn bánh xuống nước. Alex và Michael hoàn toàn bị kẹt bên trong. Mọi chuyện sẽ sớm kết thúc.
Smith đứng nhìn chiếc xe ngập đầy nước. Cuối cùng chiếc xe chìm hẳn và cô chạy đến căn nhà gần đó, hét lên rằng có một người da đen tấn công cô ở chỗ đèn giao thông và lấy chiếc xe chở hai đứa con đi mất. Cô ra vẻ là một người mẹ bị kích động, đánh lừa người phụ nữ ở căn nhà đó và nhanh chóng lừa cả đất nước khi cô lên TV khẩn thiết cầu xin tìm hai đứa con. Người chồng vốn không còn chút tình cảm, David, cũng kinh ngạc và ủng hộ cô.
Thế nhưng điều tra viên không tin câu chuyện của cô và kết quả kiếm tra nói dối cũng cho thấy điều đó. Có vẻ như cô biết các con mình đang ở đâu và biết rằng chúng đã chết. Người ta lặn xuống hồ, không có kết quả, vì họ tính toán sai vị trí chiếc xe. Không ai tưởng tượng được Smith chỉ đơn giản là để cho chiếc xe lăn bánh từ từ.
Cuối cùng cô cũng nhận tội, cô đã giết cả hai đứa con, và chín ngày sau đó, hai đứa trẻ được tìm thấy trong một chiếc xe lật ngược, vẫn còn bị kẹt trong ghế. Một thợ lặn đã nhìn thấy một bàn tay nhỏ trên cửa sổ.
***
Tuy nhiên Smith không phải người mẹ đầu tiên làm chuyện tàn ác như vậy với chính con đẻ của mình. Gần một thập kỷ trước đó, vào ngày 19 tháng 5 năm 1983, Diane Downs lái xe đến phòng cấp cứu tại Springfield, Oregon, nói rằng một người lạ mặt tóc xù xì tiến đến xe và bắn ba đứa con của bà. Cheryl 8 tuổi thiệt mạng, nhưng các bác sĩ đã cứu sống được Christie 7 tuổi và Danny 3 tuổi.
Downs không chỉ chấp nhận việc các con của mình bị thương nghiêm trọng, mà khi biết Danny sống sót, bà còn thốt lên, “Ý các người là viên đạn không trúng tim nó à? Chết tiệt!” Rồi khi Downs đến thăm Christie, các y tá nhận thấy cô bé cực kỳ sợ sự hiện diện của người mẹ.
Điều tra quá khứ của Downs cho thấy bà thường có các mối quan hệ không dài lâu với nhiều người đàn ông và người yêu gần đây đã bỏ bà. Vấn đề từ câu chuyện của bà, bao gồm một vết thương trên cánh tay có vẻ là tự gây ra, cuối cùng cũng làm sáng tỏ sự thật: Để khiến cuộc sống dễ dàng hơn, bà quyết định trừ khử con của mình. Chính bà đã bắn ba đứa trẻ và Christie run rẩy làm chứng cho điều này tại phiên tòa của Downs.
Diane Downs và 3 đứa con
Nhà tâm lý học pháp chứng Tiến sĩ Barbara Kirwin đã phân tích một số vụ án mẹ giết con – thường là trẻ sơ sinh. Bà đã từng thấy các chuyên gia cố gắng tạo dựng lời biện hộ về tâm thần, và thường đều thiếu thuyết phục. Trong vụ án Stephanie Wernick, được bà ghi chép trong The Mad, the Bad, and the Innocent (Kẻ điên, kẻ xấu, và người vô tội), bà tin rằng cô gái ấy là một kẻ thao túng đã quen với việc muốn gì được nấy và không thể chấp nhận những phiền phức. Đứa trẻ là một “phiền phức” và cô tìm cách trừ khử nó. Nhưng cô gái cũng đúng là hình mẫu để bên bào chữa đưa ra lý do tâm thần tạm thời. “Dù đôi lúc cô ta hay giở trò nước mắt cá sấu,” Kirwin nói, “cô ta chưa bao giờ thể hiện sự hối hận đối với những gì mình đã làm hay cảm thấy cắn rứt với đứa con của mình.” Đánh giá cuối cùng của Kirwin nhận định cô gái này là kẻ cuồng loạn mới chớm, chỉ quan tâm đến cuộc sống của mình. Cô ta nghĩ điều mình làm là “bình thường”, nhưng điều đó không nói lên được cô ta mắc bệnh tâm thần. “Cô ta đã làm một điều thực sự độc ác. Chúng ta làm gì với điều đó đây?” Các nhà tâm lý học còn khó có thể gọi một hành động là độc ác, huống hồ là đưa ra công cụ để giải quyết nó, đây là một phần lý do tại sao độc ác có thể được giảm nhẹ xuống thành một hành động ít tàn ác hơn và không bị trừng phạt.
Và không chỉ có những bà mẹ mới làm những điều này.
***
Tại St. Charles, Missouri, tháng 2 năm 1992, Brian Stewart, 31 tuổi, đã thực hiện một hành vi khó tin. Để không phải trả 267 đô la mỗi tháng trợ cấp cho con, hắn tiếp cận đứa con trai sơ sinh của mình và vì là một nhân viên y dược, hắn đã tiêm máu nhiễm HIV vào người đứa bé. Sáu năm sau đó cậu bé mắc bao nhiêu là bệnh, trở nên điếc, và cuối cùng được chẩn đoán mắc AIDS. Người mẹ nhớ ra rằng Stewart đã từng nói với cô đứa trẻ sẽ không sống lâu, vì thế nên cô đã báo cảnh sát.
Stewart bị buộc tội và kết án tấn công người cấp độ một. Dù không có văn bản pháp lý nào nói về độc ác, thẩm phán không ngần ngại dùng thần học trong phiên tòa. “Tôi tin rằng khi Chúa cho gọi cậu,” ông nói, “cậu sẽ bị thiêu sống dưới địa ngục từ giờ cho đến mãi mãi.” Năm 1999, Stewart bị phán tù chung thân.
Còn có một vụ khác với Kenneth và Adelle Dudley, cả hai đều là nhân viên lễ hội. Họ bị bắt tại Lawrenceville, Kentucky năm 1961 vì tội giết chết con gái 7 tuổi bằng việc bỏ đói, bỏ rơi, không chăm sóc. Khi lấy lời khai, cặp đôi này từng có mười đứa con, và đã để sáu người chết đói theo cách tương tự. Mỗi khi con chết, họ vứt xác xuống hồ hoặc mỏ bỏ hoang ở khu vực phía Nam.
Nguyên do hay lý do?
Tiến sĩ Jonathan Pincus, trưởng khoa thần kinh tại bệnh viện Đặc trách Cựu chiến binh ở Washington, DC, nghiên cứu điều gì khiến con người bạo lực, và ông đưa ra ba biến thể: tổn thương não, bạo hành, và bệnh tâm thần – đáng chú ý là suy nghĩ hoang tưởng. Trong cuốn Base Instincts (Bản năng nền móng), ông nói, “Tổ hợp yếu tố ấy cũng là nền tảng của hành vi giết người.” Phân tích qua hơn 150 vụ án giết người từ Ted Bunny đến sát nhân gái mại dâm Joel Rifkin, Pincus tin rằng những yếu tố này có liên quan đến hầu hết hành vi bạo lực chí mạng.
Phiên tòa của “sát nhân pizza” Thomas Koskovich tán đồng với ít nhất hai phần trong công thức này. Một nhân viên xã hội cho lời khai rằng nhà Koskovich xảy ra bạo lực gia đình, bạo hành thể chất, và hành vi tự tử. Cô đưa ra ý kiến rằng Koskovich được nuôi dạy trong một gia đình không có kết cấu, phải chịu đựng sự thờ ơ về mặt cảm xúc khi bố mẹ bỏ hắn cho ông bà nuôi. Một chuyên gia khác làm chứng Koskovich bị bệnh tâm thần, có nhận thức mờ nhạt về thực tế, và đang ủ bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Không ai nhắc đến việc hắn có bị tổn thương não hay không.
Pincus đồng tình với Dorothy Otnow Lewis, tác giả cuốn Guilty by Reason of Insanity (Có tội vì lý do tâm thần): cả hai đều tin rằng vai trò của tổn thương não và bạo hành đều là những yếu tố chủ chốt. Tuy nhiên, Pincus cho rằng hướng tiếp cần thì có đôi chút vấn đề. Ông bàn về vụ án của Louis Culpepper, ngồi tù vì tội lạm dụng tình dục một bé gái 6 tuổi. Khi Pincus tìm ra bằng chứng hắn bị tổn thương não từ một vụ tai nạn và trong quá khứ từng bị người thân họ hàng bạo hành tình dục đã sinh ra những ảo tưởng tình dục với trẻ em, ông đặt giả thiết rằng tổn thương não đã loại bỏ những rào cản của Culpepper và cho phép hắn làm những điều mà bình thường hắn sẽ không làm.
Pincus sau đó suy nghĩ lại những vụ án khác và dùng ý kiến của mình để đánh giá những vụ án tiếp theo mà ông được cho gọi. Nhưng vấn đề với hướng tiếp cận này là nó dựa trên lối ngụy biện logic gọi là “begging the question” (né tránh câu hỏi – có thể hiểu là nhận định một sự việc là đúng bởi vì nó đúng, nhưng không thể đưa ra lý giải vì sao nó đúng). Từ một mẫu nhỏ (một), ông xây dựng những giả thiết hình thành một hướng tiếp cận khiến ông chỉ nhìn thấy những bằng chứng mà mình muốn nhìn thấy. Nói cách khác, ông đặt ra một lý thuyết và tìm kiếm bằng chứng ủng hộ lý thuyết ấy. Điều có thể xảy ra là ông sẽ bỏ sót những yếu tố quan trọng cũng như nhấn mạnh thái quá lên những yếu tố thực chất lại rất nhỏ nhặt. Trên thực tế, lý giải của ông đúng với những bị cáo gây án nhất thời nhưng không đúng với loại người máu lạnh lên kế hoạch và thực hiện một vụ giết người hoặc loại hình tàn ác nào khác.
Để nhìn nhận những vấn đề này hợp bối cảnh, ta hãy xem qua vụ án mà Dorothy Lewis phân tích. Bà là nhân chứng chuyên gia bào chữa trong vụ án kẻ giết người liên hoàn Arthur Shawcross đến từ Rochester, New York. Cuối những năm 1980, hắn giết ít nhất 11 phụ nữ, đa số là gái mại dâm, và tìm lại thi thể để phanh thây. Một người hắn mổ xẻ từ trên xuống dưới, người khác hắn cắt bỏ bộ phận sinh dục.
Lewis giám định hắn và đưa ra kết luận sau buổi thôi miên cùng quá khứ thời thơ ấu chấn thương tâm lý nặng nề và mắc chứng động kinh thùy thái dương chặn mất ký ức. (Chị gái của hắn phủ nhận rất nhiều điều hắn cho là sự thật.) Lewis cho rằng những cơn động kinh chỉ xảy ra khi hắn ở một mình với gái mại dâm vào ban đêm (mặc dù sau đó bà đã thay đổi giả thiết và cho rằng ý kiến này khá mâu thuẫn). Dù tên sát nhân đã hoàn toàn thừa nhận giết người và đưa ra những chi tiết chỉ có kẻ giết người mới biết, bao gồm việc chỉ điểm vị trí hai thi thể nạn nhân cho điều tra viên, Tiến sĩ Lewis nói rằng ký ức của hắn bị tổn thương vào thời điểm gây án và hắn không thể biết được mình đang làm gì. Bà cũng nói rằng việc hắn cắt bỏ bộ phận sinh dục của một nạn nhân và ăn nó đã chứng minh hắn mắc chứng rối loạn – phần lớn giả thiết đều dựa trên những gì Shawcross nói với bà chứ không phải dựa trên chứng cứ pháp lý và tư liệu xác thực. (Và cần nhớ rằng Shawcross mong mình sẽ có được lời bào chữa bệnh tâm thần.)
Tuy nhiên, Lewis không hề nhận ra khả năng kẻ giết người đang diễn kịch để lợi dụng bà. Đa số nhà tâm lý học pháp chứng biết những kẻ cuồng loạn hay lừa lọc và chơi khổ nhục kế. Dù Lewis khăng khăng ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy có một túi nang nhỏ đầy chất dịch ở thùy thái dương bên phải của hắn, nhưng bà không thể chứng minh điều này có ảnh hưởng gì đến hành vi giết người. Sau 15 năm tù hắn được trả tự do vì trong suốt thời gian bị giam hắn hoàn toàn không hề có hành vi bạo lực. Nhưng hắn lại giết và phanh thây hai đứa trẻ. Làm sao mà tổn thương não và rối loạn tâm lý có thể khiến hắn giết người trong một trạng thái tách biệt chỉ khi hắn ở cùng với trẻ em hoặc gái mại dâm?
Một vấn đề khác với hướng tiếp cận của Pincus và Lewis là họ chỉ nghiên cứu những cá thể ngồi tù. Ví dụ, cả hai đều viết về một nghiên cứu trên 14 tù nhân tử hình thực hiện hành vi giết người trước tuổi 18. Họ tìm thấy tổ hợp ba yếu tố trên tất cả trường hợp. Nhưng có thể đó là do những người sở hữu tổ hợp ba yếu tố này thường bốc đồng hơn và vì thế dễ bị bắt hơn. Vì hai nhà tâm lý học này chưa hề nghiên cứu những kẻ giết người không bị bắt hay những người như Leopold và Loeb (không bị bạo hành, tổn thương não hoặc bệnh tâm thần), nhiều khả năng có những yếu tố khác góp phần vào bạo lực, và cũng nhiều khả năng là những yếu tố họ đưa ra không phải lúc nào cũng hiện diện.
Họ cũng bỏ qua ảnh hưởng của những yếu tố xã hội. Ví dụ, hãy nhớ rằng không phải tất cả hành vi bạo lực đều được xem là độc ác, ta hãy xem qua những giả thiết về nguyên do của bạo lực.
Xã hội học
Đa số giả thiết được xếp loại xã hội học thường gắn nguyên do của tội ác lên các động lực, hoàn cảnh xã hội hay văn hóa, mỗi cá nhân mỗi khác. Quan niệm cho rằng cá nhân là một thành viên của một nhóm bị ảnh hưởng bởi động lực hay hoàn cảnh nào đó sẽ có khả năng gây ra tội ác. Ví dụ, nghèo đói, thiếu cơ hội nâng cao địa vị, hay cảm giác bất lực vì là thành viên của một giai cao xã hội bị kỳ thị có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi tội ác. Sự chú ý của dư luận đối với loại hình tội ác nhất định, ví dụ như xả súng tại trường học, cũng là một nguyên nhân.
Sinh học
Những giả thiết này nhấn mạnh đến những yếu tố nảy sinh bên trong cơ thể là nguyên nhân gây ra tội ác. Có thể người đó có khuynh hướng di truyền và sống trong một hoàn cảnh có thể kích hoạt hành vi tội ác. Có thể những tội ác như cưỡng hiếp có yếu tố tổ tiên, có hiệu quả nâng cao dân số đối với người nguyên thủy nhưng đến nay được coi là xâm hại. Cũng có một số giả thiết chỉ ra các biến dị nhiễm sắc thể, yếu tố quyết định loại cơ thể, và các yếu tố hóa sinh. Dù đúng là nếu những loại tính cách nhất định, ví dụ như cuồng loạn, được định hình sẵn trong não bộ, và nếu cuồng loạn có liên quan mật thiết đến tội ác và tái phạm tội ác, thì sinh học cũng đóng một vai trò quan trọng.
Tâm lý học
Những giả thiết này hướng đến các yếu tố nhân cách để xác định liệu những kiểu tính cách hay đặc điểm nhất định sẽ có xu hướng gây ra tội ác hay không. Chúng bao gồm các giả thiết phân tâm học, hành vi, và đặc tính. Nhiều nhà tâm lý học đã viết sách về “nhân cách tội phạm”. Tuy nhiên, vẫn không có bằng chứng cho thấy những đặc tính nhất định nào thực sự khiến một người thực hiện hành vi tội ác.
Tâm lý xã hội
Những giả thiết này nghiên cứu các cá thể trong một môi trường, ví dụ, một thanh niên da đen sống trong một khu phố nơi các băng đảng hoành hành và anh ta buộc phải tham gia. Một người học cách gây ra tội ác thông qua những tương tác xã hội và tiếp xúc với những hình mẫu nhất định. Một số người tin rằng bản chất con người thiên về trạng thái vô kỷ luật phải được kiềm chế bởi các tổ chức xã hội và xã hội hóa trong gia đình. Số khác tin rằng con người học cách bạo lực vì họ nhận thấy điều đó đem lại một sự tưởng thưởng ngắn hạn hoặc là cách duy nhất để giải quyết tình huống.
Giả thiết hỗn hợp
Đa số chuyên gia sức khỏe thần kinh chấp nhận một điều rằng có lẽ có một tổ hợp phức tạp các yếu tố dẫn đến tội ác. Rất khó bỏ qua nghiên cứu thần kinh học, nhưng cũng rất khó để không chú ý đến những tình huống nhất định khơi gợi bạo lực. Thêm vào đó, hiển nhiên là một số người mắc chứng rối loạn nhân cách nhiều khả năng có hành vi bạo lực hơn. Vì thế, một giả thiết hỗn hợp, dù không được chỉn chu tươm tất cho lắm, có khi lại chính xác hơn.
Các yếu tố liên quan đến hành vi độc ác rất đa dạng, và không có yếu tố đơn lẻ nào là cần thiết và đầy đủ để tự nó có thể gây ra tội ác.