MƯỜI HAI
Ngày mùng 8 tháng 8
Các đám mây đầy đe dọa đã hình thành trên vùng biển phía đông Caribe nhiều ngày trước. Ban đầu, nó chỉ là một vùng khí áp suất thấp hình thành trên cao, một cuộn mây hình thành từ những giọt nước bị bốc hơi thuộc vùng biển thuộc xích đạo bị mặt trời thiêu đốt cả ngày. Khi gặp một luồng không khí nóng ở phía bắc, những đám mây này bắt đầu xoay, cuộn quanh một mắt bão yên tĩnh của vùng khí nóng. Giờ nó đã biến thành một vòng xoáy thực sự và dường như lớn dần lên mỗi khi các hình ảnh được Vệ tinh thời tiết khí tượng truyền về. Dịch vụ báo thời tiết của Trung tâm quản lý khí tượng và biển quốc gia đã theo dõi cơn bão từ khi nó hình thành. Họ đã chứng kiến nó ôn hòa, mất hướng và di chuyển ra tận cực đông Cuba. Giờ các dữ liệu mới nhất đang được chuyển về từ các phao nổi. Chúng cho thấy các nền nhiệt mới, tốc độ và hướng gió cũng khác. Các dữ liệu này càng khẳng định những gì các nhà khí tượng học đang nhìn thấy trên màn hình máy tính.
Đó là một cơn bão nhiệt đới. Nó đang di chuyển về phía tây bắc, về mũi bang Florida.
Đây là thông tin mà giám đốc điều hành hay Randy Carpenter sợ nhất. Họ có thể khắc phục các trục trặc kỹ thuật. Họ có thể xử lý các sự cố của các hệ thống đa cấp. Nhưng một lần nữa, khi đối diện với sức mạnh của Mẹ trái đất, họ lại cảm thấy tuyệt vọng. Mối quan tâm hàng đầu của cuộc họp đội làm nhiệm vụ sáng nay là quyết định cứ tiếp tục hay hủy việc bay quanh quỹ đạo. Họ đã chuẩn bị cho tàu con thoi cất cánh và đốt cháy nhiên liệu để hủy bay quanh quỹ đạo trong sáu tiếng. Bản báo cáo thời tiết đã thay đổi mọi việc.
Nhóm khí tượng trên chuyến bay vũ trụ thuộc Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia cho biết cơn bão nhiệt đới này đang di chuyển về phía bắc. – tây bắc, hướng về các khu trọng điểm của Florida. – chuyên gia dự báo nói. – Sóng ra-đa từ Lực lượng không quân Patrick và sóng ra-đa từ Trung tâm dịch vụ thời tiết quốc gia Úc tại Melbourne cho thấy sức gió trong sóng lên tới cấp sáu mươi lăm, kèm theo mưa lớn. Các khinh khí cầu của Rawinsonde và Jimsphere đều xác nhận thông tin đó. Ngoài ra, các mạng hệ thống Field Mill quanh mũi Canaveral cũng như các sóng ra-đa của Trung tâm vũ trụ Johnson cũng cho thấy sẽ có sấm chớp tăng cường. Những tình hình có thể sẽ kéo dài trong vòng bốn mươi tám giờ tới. Và có thể còn lâu hơn nữa.
– Nói theo cách khác thì chúng ta sẽ không thể hạ cánh ở Kennedy được. – Carpenter nói.
– Chắc chắn Kennedy đã bị loại, ít nhất là trong vòng ba hay bốn ngày tới.
Carpenter thở dài.
– Được rồi, chúng ta đang đoán việc gì sẽ xảy ra. Hãy nghe thông tin về Lực lượng không quân Edwards.
Lực lượng không quân Edwards nằm lọt thỏm trong một thung lũng phía đông của Sierra Nevada tại California không phải là lựa chọn đầu tiên của họ. Hạ cánh tại khu vực này sẽ trì hoãn toàn bộ quá trình hoạt động của tàu con thoi và việc quay trở lại để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo vì tàu sẽ phải được chuyển quay trở về Kennedy, và được vận chuyển về khu bệ phóng số 747.
– Thật không may. – nhân viên dự báo thời tiết nói. – ngay cả trung tâm Edwards cũng có rắc rối.
Bụng Carpenter đột nhiên co thắt lại. Đây là một điềm báo trước cho thấy đó mới chỉ là phần mở đầu cho một chuỗi xui xẻo tiếp theo. Là tổng giám đốc điều hành bay, anh đã nhận một nhiệm vụ riêng là xem xét mọi rủi ro được ghi lại và phân tích xem chuyện gì đã xảy ra. Dựa trên những bất lợi trong quá khứ, anh có thể lật ngược lại vấn đề, theo một chuỗi các quyết định tồi tệ mà trông bên ngoài có vẻ vô hại. Đôi khi sự việc bắt đầu do công ty sản xuất có một kỹ sư làm việc không tập trung, một tấm điện bị cắm dây sai. Ngay cả những ống kính viễn vọng Hubble cũng có thể bị long mấy con ốc ngay từ đầu.
Giờ anh không thể rũ bỏ cảm giác rằng sau này anh sẽ suy nghĩ lại về cuộc họp này và tự hỏi. Có điều gì mình nên làm khác? Lẽ ra mình nên làm gì để ngăn chặn thảm họa?
Anh hỏi.
– Tình hình tại Edwards ra sao?
– Hiện tại họ đang thấy một khối mây ở độ cao hai nghìn một trăm ba mươi ba mét.
– Đó là một tình huống bế tắc thật sự.
– Đúng vậy, California nắng quá. Nhưng có khả năng mây sẽ quang phần nào trong vòng hai mươi tư đến ba mươi sáu giờ tới. Chúng ta có thể có điều kiện hạ cánh thích hợp nếu chúng ta chờ cho mây tan đi. Nếu không thì chúng ta sẽ phải sang tận New Mexico. Tôi vừa kiểm tra khu hạ cánh bên đó và khu Cát Trắng có vẻ ổn. Trời trong xanh, gió một chiều với tốc độ cấp năm đến mười. Không có dự báo nào cho thấy thời tiết bất lợi.
– Vậy thì đó là lựa chọn của chúng ta. – Carpenter nói. – Hãy chờ cho đến khi khu căn cứ Edwards quang đãng. Nếu không chúng ta sẽ đến khu Cát Trắng. – Ông nhìn những người còn lại trong phòng thăm dò ý kiến.
Một giám đốc quản lý chương trình nói.
– Trên đó bây giờ họ đều ổn. Chúng ta có thể để họ hạ cánh tại Trung tâm vũ trụ quốc tế bao nhiêu lâu cũng được cho đến khi thời tiết thuận lợi. Tôi thấy không cần thiết phải giục họ về nhà để hạ cánh xuống khu vực không tối ưu bằng.
Không tối ưu bằng là một cách nói ám chỉ. Khu vực Cát Trắng là một dải đất nằm tách biệt được lắp các khối hình trụ xếp thẳng hàng.
– Sẽ gặp khó khăn trong việc đưa thi thể xuống càng sớm càng tốt. – Todd Cutler nói. – Trong khi đó việc khám nghiệm tử khi vẫn rất cần thiết.
– Tất cả chúng ta đều biết điều đó. – giám đốc chương trình nói. – Nhưng hãy so sánh nó với những bất lợi. Khu Cát Trắng rất hạn chế. Các dịch vụ y tế còn không có nếu chúng ta gặp bất cứ trục trặc gì khi hạ cánh. Thực sự thì nếu cân nhắc mọi việc thì tôi đề nghị chúng ta sẽ đợi còn lâu hơn nữa cho đến khi trung tâm Kennedy trong trẻo trở lại. Nếu suy nghĩ một cách lô-gíc thì đó là điều tốt nhất cho chương trình này. Như vậy tàu con thoi sẽ trở về nhanh hơn, chúng ta đưa nó về khu bệ phóng sớm hơn để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Đồng thời, phi hành đoàn có thể sử dụng Trạm vũ trụ quốc tế làm khách sạn trong vài ngày.
Mấy giám đốc chương trình khác gật đầu. Họ đều đang lựa chọn phương án bảo thủ nhất. Phi hành đoàn sẽ an toàn tại nơi họ đang ở, việc cần đưa thi thể của Hirai về gấp bị các vấn đề tại khu Cát Trắng làm mờ hết. Carpenter nghĩ về tất cả những cách khiến sau này phải suy nghĩ lại, lạy trời đừng để có thảm họa gì khi hạ cánh tại khu Cát Trắng. Ông nghĩ về những câu hỏi mà ông sẽ đưa ra, liệu ông có cân nhắc quyết định của các giám đốc điều hành bay khác không? Sao lại phải chờ cho thời tiết êm ả? Sao ông không nhanh chóng đưa họ về?
Quyết định đúng đắn là quyết định hạn chế tối đa các mối nguy hiểm nhưng vẫn đáp ứng được các nhiệm vụ.
Ông quyết định đứng giữa.
– Ba ngày là quá dài.. – ông nói. – Nên khu Kennedy bị loại. Hãy chọn căn cứ Edwards. Có lẽ ngày mai trời sẽ trong xanh.. – Ông nhìn nhân viên dự báo thời tiết. – Hãy làm tan những đám mây đó.
– Chắc chắn rồi! Tôi sẽ chỉ giữ lại mưa thôi.
Carpenter nhìn đồng hồ trên tường.
– Được rồi. Bốn tiếng nữa sẽ đánh thức phi hành đoàn. Khi đó chúng ta sẽ báo cho họ tin này. Họ vẫn chưa thể về nhà được.
Ngày mùng 9 tháng 8
Jill Hewit thở hổn hển khi thức dậy.
Ý nghĩ đầu tiên của cô là cô đang chết đuối và mỗi khi hít vào thì cô bị sặc nước.
Cô mở mắt. Cô sửng sốt khi thấy một đàn sứa đang lơ lửng quanh mình. Cô ho sặc sụa. Cuối cùng, cô cố hít một hơi dài và lại ho. Luồng khí đẩy mạnh khiến tất cả bọn sứa lộn ngược ra.
Cô chui ra khỏi túi ngủ, bật đèn phòng. Cô kinh ngạc khi thấy không khí lấp lánh.
– Bob! – Cô hét lên.. – Chúng ta bị rò rỉ.
Cô nghe thấy tiếng O’Leary nói trên khoang lái.
– Cái quái gì thế này?
– Lấy mặt nạ ra ngay. – Kittredge ra lệnh. – cho đến khi chúng ta chắc chắn thứ này không độc hại.
Jill mở ngăn cấp cứu, lôi ra hộp dụng cụ bảo vệ khi bị nhiễm bẩn rồi ném mặt nạ và kính cho Kittredge, O’Leary và Mercer khi họ lộn xuống lối đi dẫn vào khoang giữa. Không có thời quan để mặc quần áo, ai cũng đang mặc đồ lót và còn ngái ngủ.
Giờ, khi đã đeo mặt nạ, họ quan sát kỹ những giọt nước màu xanh dương pha xanh lá cây trôi nổi quanh họ.
Mercer đưa tay ra, bắt lấy một giọt.
– Lạ thật.. – Anh nói và chà xát nó trong lòng bàn tay.. – Nó có vẻ dày đấy, nhớt như một loại chất nhầy.
Lúc này O’Leary, bác sĩ trên tàu mới bắt một giọt, đưa nó lại gần ống kính để nhìn rõ hơn.
– Nó không phải chất lỏng.
– Tôi thấy nó giống chất lỏng.. – Jill nói.. – Nó có trạng thái như vậy.
– Nhưng nó sền sệt, như thể…
Tất cả bọn họ đều giật mình khi một tiếng nhạc rất to đột nhiên bật lên. Đó là giọng hát mượt mà của Elvis Presley hát bài Những đôi giày Thụy Điển màu xanh dương. Đó là bài hát đánh thức họ được truyền từ trung tâm Điều hành nhiệm vụ bay.
– Xin chào tàu Discovery. – viên điều khiển vui vẻ nói. – Đã đến lúc thức dậy và tỏa sáng rồi, các bạn!
Kittredge trả lời.
– Chỉ huy, chúng tôi dậy hết rồi. Trên này chúng tôi có một hiện tượng kỳ lạ.
– Một hiện tượng à?
– Chúng tôi có một chất dịch bị đổ trong phòng. Chúng tôi đang cố nhận dạng nó. Nó là một chất nhầy, có màu xanh dương pha xanh lá cây đục. Trông nó gần giống như những viên ngọc mắt mèo nhỏ bay lượn xunh quanh. Nó đã lan ra cả hai khoang.
– Các anh đeo mặt nạ hết rồi chứ?
– Rồi!
– Các anh biết nó từ đâu ra không?
– Không.
– Được rồi. Chúng tôi sẽ tham khảo hệ thống hỗ trợ sống và điều khiển môi trường ngay lập tức. Họ có thể biết đó là cái gì.
– Dù là gì đi chăng nữa thì có vẻ nó không độc hại. Chúng tôi hình như không ai bị bệnh cả. – Kittredge nhìn một lượt mọi người trong phi hành đoàn đang đeo mặt nạ và tất cả đều lắc đầu.
– Chất dịch đó có mùi gì không? – Chỉ huy hỏi. – Hệ thống hỗ trợ sự sống và điều khiển môi trường muốn biết có phải nó rò ra từ hệ thống thu hồi chất thải không.
Bỗng nhiên Jill cảm thấy buồn nôn. Thứ mà họ đang hít vào và ngập trong đó có phải đã bị rò ra từ chỗ đi vệ sinh không?
– À, tôi nghĩ một trong số chúng tôi phải ngửi thử. – Kittredge nói. Anh nhìn cả đội và họ chỉ nhìn anh. – Được rồi, các bạn, đừng xung phong ngay lập tức. – Anh lẩm bẩm và cuối cùng tháo mặt nạ ra. Anh ôm một giọt trong lòng bàn tay và ngửi. – Tôi nghĩ nó không phải là chất thải. Nó cũng không có mùi hóa chất. Ít ra là không phải sản phẩm từ xăng dầu.
– Nó có mùi như thế nào? – Chỉ huy hỏi.
– Có mùi như… cá, như chất nhầy của cá hồi. Có thể nó rò ra từ khoang bếp chăng?
– Hoặc nó có thể rò ra từ khoang chứa các vật dụng nghiên cứu khoa học. Các bạn đang mang theo các thí nghiệm từ Trạm vũ trụ quốc tế về trái đất. Có thùng chứa các đồ biển nào trên tàu không?
– Thứ này khiến tôi nhớ đến chân ếch. Chúng tôi sẽ xem kỹ các thùng thí nghiệm. – Kittredge nói. Anh nhìn quanh phòng, nhìn những viên lóng lánh gần những bức vách. – Giờ nó đã bám lên mọi thứ. Chúng ta phải lau dọn những thứ đã văng ra. Nó sẽ chặn cả đường về của chúng ta mất.
– À, tàu Discovery, tôi không muốn báo cho các bạn tin này chút nào. – chỉ huy nói. – nhưng việc trở lại sẽ bị trì hoãn vì một số lý do. Các anh sẽ phải ngồi yên đấy.
– Có chuyện gì?
– Dưới này có một vài vấn đề thời tiết. Trung tâm Kennedy đang có những trận gió mạnh cấp bốn mươi, có bão lốc mạnh. Một cơn bão nhiệt đới đang di chuyển từ phía đông nam. Nó sẽ khiến cộng hòa Dominic náo loạn và nó đang hướng về trung tâm Kennedy.
– Còn căn cứ Edwards thì sao?
– Hiện tại họ báo cáo có một khối mây ở độ cao hai nghìn một trăm ba mươi mét. Vì vậy nếu các bạn không quá vội vàng muốn hạ cánh xuống khu Cát Trắng thì chúng tôi đang xem xét trì hoãn thêm ít nhất ba mươi sáu giờ nữa. Chúng tôi có thể cho phép các bạn mở các cửa vào một lần nữa và gia nhập cùng phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Kittredge nhìn những giọt nước trôi qua.
– Chúng tôi không đồng ý về việc đó, chỉ huy. Chúng tôi sẽ làm trạm bị nhiễm bẩn với chất này. Chúng tôi phải lau dọn mọi thứ đã.
– Rõ! Bác sĩ đang đứng ngay cạnh tôi và muốn xác nhận là cả phi hành đoàn không có bất cứ ảnh hưởng xấu nào. Điều đó đúng không?
– Chất rò rỉ có vẻ vô hại. Không ai có biểu hiện bị bệnh. – Anh xua một đám chất lỏng đi khiến chúng cuộn tròn như những viên ngọc trai. – Chúng thật sự rất đẹp. Nhưng tôi không muốn nghĩ đến việc chúng bám vào các bảng điện nên chúng tôi nên dọn sạch hết mọi ngóc ngách.
– Chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn thông tin mới nhất về tình hình thời tiết, tàu Discovery. Giờ hãy dọn đống rác đó đi.
– Được. – Kittredge cười. – Hãy gọi chúng tôi là những nhà làm dịch vụ lau dọn trên trời. Chúng tôi còn lau cả cửa sổ nữa. – Anh đeo mặt nạ vào. – Tôi nghĩ loại bỏ chúng sẽ an toàn thôi.
Jill tháo mặt nạ và kính, bay về phía ngăn kéo khẩn cấp. Cô vừa tháo các dụng cụ ra thì thấy Mercer nhìn cô chằm chằm.
– Có chuyện gì thế? – Cô hỏi.
– Mắt cô… sao thế?
– Mắt tôi làm sao?
– Cô nên xem đi!
Cô bay về phía phòng vệ sinh. Khi mới thoáng nhìn vào gương, cô giật mình. Màng cứng của một mắt cô đỏ như máu, không chỉ tạo thành vệt mà nó còn đỏ loang hết màng cứng.
– Chúa ơi! – Cô lẩm bẩm và sợ hãi với hình ảnh của chính mình trong gương. Mình là một phi công. Mình cần đôi mắt. Giờ thì một trong hai mắt trông như một cục máu.
O’Leary xoay vai cô lại và kiểm tra mắt cho cô.
– Không phải lo lắng đâu, được chứ? – Anh trấn an. – Đó chỉ là hiện tượng xuất huyết màng mắt.
– Chỉ là thôi sao?
– Đó là một giọt máu nhỏ trong mắt cô. Nó không có vẻ nghiêm trọng hơn đâu. Nó sẽ biến mất và không ảnh hưởng gì đến mắt cô cả.
– Sao tôi lại bị thế nhỉ?
– Những biến đổi đột ngột trong áp lực tác động lên hộp sọ có thể gây ra điều đó. Đôi khi cô có thể bị ho nhiều hay nôn mửa và nó khiến các mao mạch nhỏ bị vỡ ra.
Cô thở phào nhẹ nhõm.
– Chắc là thế rồi. Lúc ngủ dậy tôi có ho khan làm bay những giọt nước đó.
– Thấy chưa? Chẳng có gì phải lo. – Anh vỗ vai cô. – Mất năm mươi xu. Bệnh nhân tiếp theo!
Jill cảm thấy an tâm và quay lại nhìn vào gương. Đó chỉ là bị rỉ ít máu, cô nghĩ, chẳng có gì phải lo. Nhưng người trong gương đang nhìn cô khiến cô khiếp sợ. Một mắt bình thường, một mắt như ác quỷ và đỏ rực. Nó có vẻ gì đó rất kỳ quái và điên rồ.
Ngày 10 tháng 8
– Bọn họ đúng là khách không mời. – Luther nói. – Chúng ta đã đóng cửa rồi mà họ vẫn không chịu đi.
Mọi người trong phòng trưng bày, kể cả Emma đều cười ồ. Trong mấy ngày qua, không có mấy chuyện vui trên Trạm vũ trụ quốc tế. Và ai cũng thấy nhẹ nhõm khi lại nghe thấy những câu tán dóc. Họ đã chuyển thi thể của Kenichi sang tàu con thoi Discovery nên tâm trạng ai cũng tốt hơn. Cơ thể được liệm của anh luôn gợi nhớ đến cái chết. Emma thấy thoải mái khi cô không còn phải đối diện với bằng chứng về thất bại của chính mình. Cô lại có thể tập trung vào công việc.
Thậm chí cô có thể cười khi Luther nói đùa mặc dù chủ đề của anh về sự thất bại trong việc cất cánh tàu Discovery thực sự không đáng cười lắm. Họ cứ nghĩ sáng sớm nay tàu sẽ tách ra. Giờ nó sẽ bị chậm hơn một ngày. Nó sẽ vẫn nối với Trạm vũ trụ và không thể rời đi trong vòng ít nhất hai mươi bốn tiếng nữa. Ngày giờ rời đi của tàu không chính xác cũng khiến cho lịch làm việc của phi hành đoàn không ổn định. Việc tách tàu không chỉ là vấn đề đơn giản là con tàu chỉ cần tách ra và bay đi mà đó là một vũ điệu tinh tế giữa hai vật thể khổng lồ chuyển động với tốc độ mười bảy nghìn năm trăm dặm mỗi giờ. Việc đó đòi hỏi sự ăn ý giữa tàu con thoi và phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế. Trong suốt quá trình tách tàu, phần mềm điều khiển trạm quốc tế phải tạm thời được định hình lại để hoạt động ở tầm gần. Phi hành đoàn trên trạm sẽ phải tạm thời ngưng mọi hoạt động nghiên cứu. Mọi người phải tập trung vào việc di chuyển của tàu con thoi.
Và nó phải tránh được thảm họa.
Giờ một ngày nhiều mây tại căn cứ không quân ở California đã làm hỏng mọi việc và đảo lộn toàn bộ lịch làm việc trên Trạm vũ trụ. Nhưng đây là điều tất yếu khi bay bằng tàu vũ trụ, điều duy nhất có thể đoán trước được chính là những điều không đoán trước được.
Một giọt nước hoa quả thình lình xuất hiện lơ lửng trên đầu Emma. Và còn một điều nữa bất ngờ hơn, Emma nghĩ và cười khi Luther lém lỉnh cầm ống hút đuổi theo nó. Nếu bạn lơ là một tích tắc thôi thì một dụng cụ quan trọng hay một đồ uống sẽ trôi mất. Khi không có trọng lực, một vật thể không bị buộc chặt sẽ trôi nổi khắp nơi.
Đây là việc phi hành đoàn trên tàu Discovery đang đối mặt.
– Các giọt nước như vậy bám trên khắp các bảng điều khiển lái tự động của chúng tôi. – Emma nghe thấy Kittredge nói trên điện đàm. Chỉ huy tàu Discovery đang nói chuyện với Griggs qua hệ thống truyền dẫn trong vũ trụ. – Chúng tôi vẫn đang cố dọn sạch cả thanh gạt nhưng nó giống hệt chất nhầy khi khô lại. Tôi hy vọng nó không xâm nhập vào bất cứ ổ dữ liệu nào.
– Anh phát hiện chúng từ đâu ra chưa? – Griggs hỏi.
– Chúng tôi thấy một đám nhỏ trong ngăn để cá cóc. Nhưng nó không có vẻ bị rò rỉ. – không đủ để tràn ra cả phòng.
– Nó có thể đến từ đâu khác nữa?
– Giờ chúng tôi đang kiểm tra phòng trưng bày và ngăn tủ. Chúng tôi quá bận bịu với việc lau dọn nên chưa có thời gian để xác định nguồn gốc của nó. Tôi không thể nhận dạng nó. Nó khiến tôi nhớ về trứng ếch. Những viên tròn màu xanh lá cây và dính. Anh nên nhìn thấy phi hành đoàn của tôi. – như thể họ là những bóng người trong phim Kẻ diệt ma. Rồi mắt Hewitt bị đỏ như quỷ. Lạy trời, chúng tôi không dám nhìn nữa.
Mắt đỏ như quỷ à? Emma quay về phía Griggs.
– Mắt Hewitt bị sao cơ? – Cô hỏi. – Tôi chưa nghe rõ.
Griggs đặt lại câu hỏi với tàu Discovery.
– Đó chỉ là hiện tượng xuất huyết màng cứng. – Kittredge trả lời. – theo O’Leary thì không có gì nghiêm trọng.
– Để tôi nói chuyện với Kittredge. – Emma giục.
– Cô nói đi!
– Bob, Emma đây. Sao Hewitt lại bị đỏ mắt?
– Hôm qua, khi ngủ dậy cô ấy bị ho. Chúng tôi nghĩ là do vậy.
– Cô ấy có bị đau đầu hay đau bụng không?
– Một lúc trước cô ấy có kêu bị đau đầu. Chúng tôi thì bị mỏi cơ nhưng ở đây chúng tôi đang làm việc như điên ấy.
– Có chóng mặt hay buồn nôn không?
– Mercer bị đau bụng. Có chuyện gì thế?
– Kenichi cũng bị đỏ màng mắt.
– Nhưng điều đó không quá nghiêm trọng. – Kittredge nói. – O’Leary đã nói vậy.
– Không, một loạt các triệu chứng khiến tôi lo lắng. – Emma nói. – Bệnh của Kenichi bắt đầu là nôn mửa, sau đó bị đỏ mắt, đau bụng rồi đau đầu.
– Theo cô đây là một loại bệnh lây lan? Vậy tại sao cô không bị bệnh? Cô đã chăm sóc anh ấy mà.
Một câu hỏi rất hay. Cô không thể trả lời câu hỏi đó.
– Chúng ta đang nói về căn bệnh gì vậy? – Kittredge hỏi.
– Tôi không biết. Tôi chỉ biết Kenichi đã suy sụp chỉ trong vòng một ngày kể từ khi anh ấy xuất hiện triệu chứng. Các bạn phải xuất phát và trở về trái đất ngay bây giờ trước khi bất cứ ai trên tàu Discovery bị bệnh.
– Chúng tôi không thể làm được. Căn cứ Edwards vẫn bị mây bao phủ.
– Vậy thì hạ cánh tại khu Cát Trắng.
– Ngay lúc này đó không phải là một lựa chọn đúng đắn. Họ có vấn đề với một trong số các bộ phận điều khiển hàng không quan trọng. Mà này, chúng tôi đều ổn cả. Chúng tôi chỉ chờ cho đến khi thời tiết đẹp trở lại. Sẽ không quá hai mươi tư giờ đâu.
Emma nhìn Griggs.
– Tôi muốn nói chuyện với trung tâm Houston.
– Họ sẽ không cho phép về khu Cát Trắng chỉ vì mắt Hewitt bị đỏ.
– Nó có thể còn hơn bệnh đau mắt đỏ.
– Làm sao họ bị bệnh của Kenichi được? Họ không tiếp xúc với anh ấy.
Cái xác, cô nghĩ. Xác anh ấy ở trên tàu con thoi.
– Bob. – cô nói. – Tôi, Emma đây. Tôi muốn anh kiểm tra túi đựng xác.
– Gì cơ?
– Hãy kiểm tra túi đựng xác của Kenichi xem có rách không.
– Cô đã thấy chúng tôi đóng gói nó rất chặt rồi mà.
– Anh có chắc nó vẫn kín không?
– Thôi được. – Anh thở dài. – Tôi phải thừa nhận là chúng tôi vẫn chưa kiểm tra thi thể anh ấy từ lúc đưa lên tàu. Chúng tôi đã đóng tấm ván để không nhìn thấy anh ấy.
– Cái túi trông thế nào?
– Giờ tôi đang cố mở tấm ván. Có vẻ như nó bị mắc kẹt một chút, nhưng…. – Anh im bặt rồi lẩm bẩm. – Lạy Chúa!
– Chuyện gì thế Bob?
– Chất dịch tràn ra từ chiếc túi.
– Gì cơ? Máu hay huyết thanh?
– Có một vết rách trên túi nhựa. Tôi thấy nó rỉ ra.
– Cái gì đang rỉ ra cơ chứ?
Cô nghe thấy nhiều giọng nói phía sau. Đó là những tiếng kêu thất thanh vì ghê tởm và có tiếng ai đó nôn ọe.
– Đóng nó lại. Đóng nó lại. – Emma nói nhưng họ không trả lời.
Jill Hewitt nói.
– Cơ thể anh ấy như một đám nhầy. Như thể anh ấy…đang rữa ra. Chúng tôi đã thấy chuyện gì đã xảy ra với nó.
– Không. – Emma hét lên. – tàu Discovery, đừng mở cái túi!
Cô thở phào khi nghe thấy Kittredge trả lời.
– Roger, Wastson, O’Leary đã đóng nó lại. Chúng tôi sẽ không để chất dịch đó… rỉ ra… nữa đâu.
– Có lẽ chúng ta nên ném cái xác đi. – Jill nói.
– Không. – Kittredge trả lời. – Họ muốn khám nghiệm nó.
– Đó là loại dung dịch gì vậy? – Emma hỏi. – Bob, hãy trả lời tôi!
Anh im lặng rồi nói.
– Tôi không biết. Nhưng dù nó là gì thì tôi nghĩ nó không lây lan vì tất cả chúng tôi đều tiếp xúc với nó rồi.
Mười ba cân toàn thịt và lông. Đó là con mèo Humphrey, nó đang cào như điên như dại trên ngực Jack. Con mèo đang cố giết mình, Jack nghĩ và nhìn thẳng vào cặp mắt gian giảo màu xanh lục của con Humphrey. Anh đã ngủ quên trên ghế và anh biết điều tiếp theo là một đống lông mèo sẽ chui vào lồng ngực anh và chặn không khí tràn vào ngực anh.
Con Humphrey gầm gừ rồi ấn ngập móng vuốt vào ngực Jack.
Jack hét lên rồi gạt mạnh nó ra. Humphrey tiếp đất bằng cả bốn chân với cú nhảy chậm rãi.
– Đi mà bắt chuột đi! – Jack lầm bầm và quay đi ngủ tiếp nhưng không được. Con Humphrey gào lên đòi ăn. Lại thế rồi! Jack ngáp dài, lôi mình dậy khỏi ghế và đi vào bếp. Khi vừa mở tủ chạn bát, chỗ để đồ ăn cho mèo thì con Humphrey bắt đầu gào to hơn. Jack đổ món Little Friskies đầy bát và đứng đó căm ghét nhìn kẻ thù của mình nhai ngấu nghiến. Anh đã thức suốt đêm, điều khiển bảng điều khiển của bác sĩ tại phòng điều hành của Trạm vũ trụ. Sau đó anh về nhà, ngồi lên ghế dài và xem lại các báo cáo về Hệ thống hỗ trợ sự sống và điều khiển môi trường của Trạm vũ trụ quốc tế. Anh đã trở lại cuộc chơi và lại thấy hào hứng như xưa. Thậm chí anh còn thấy dễ chịu khi được tham gia vào việc huấn luyện đến gầy người ra khi làm giám đốc phòng điều hành. Nhưng cuối cùng anh đã kiệt sức. Anh ngủ quên vào tầm trưa và quanh anh là những đống tài liệu hướng dẫn bay.
Bát của con Humphrey đã vơi đi một nửa. Thật khó tin!
Khi Jack quay đi định rời khỏi bếp thì điện thoại reo.
Đó là Todd Cutler.
– Chúng tôi đang tập hợp nhân sự thuộc bộ phận y tế để tiếp đón tàu Discovery tại khu Cát Trắng. – Anh nói. – Máy bay sẽ rời Ellington trong mười phút nữa.
– Sao lại là khu Cát Trắng? Tôi cứ nghĩ là tàuDiscovery sẽ đợi cho đến khi căn cứ Edwards sáng sủa lại.
– Chúng tôi gặp sự cố về sức khỏe trên tàu nên không thể chờ cho đến khi trời đẹp trở lại. Họ sẽ tách ra trong một giờ nữa. Đã có kế hoạch cho việc phòng sự lây lan.
– Lây lan gì?
– Vẫn chưa xác định được. Chúng tôi đang xử lý nó an toàn. Anh đi cùng chúng tôi chứ?
– Có chứ, tôi đi cùng các anh. – Jack nói không chút chần chừ.
– Vậy thì anh đi ngay đi nếu không muốn lỡ chuyến bay.
– Chờ đã! Nạn nhân là ai thế? Ai bị bệnh?
– Tất cả đều bị. – Cutler nói. – Cả phi hành đoàn.