Trước kia, anh không hề muốn trở thành người phục vụ ở quầy rượu. Thậm chí anh còn thành kiến với ngành nghề mua vui cho khách này. Anh thường nghĩ rằng chỉ những người đã thất bại khi chọn con đường khác, không còn chốn dung thân, cùng đường mới bước vào ngành này. Đó là câu chuyện hồi Shinsuke mới lên Tokyo.
Anh sinh ở Kanazawa. Bố anh làm ở quỹ tín dụng của địa phương. Mẹ hình như làm giáo viên bán thời gian ở một trường trung học, nhưng trong ký ức của Shinsuke, dường như không có hồi ức nào về hình ảnh người mẹ làm giáo viên. Nhà anh ở một nơi có tên là Teramara, bên cạnh Saikawa. Đúng như tên gọi, đó là thành phố có rất nhiều chùa chiền. Ngôi nhà gỗ anh sống nằm lặng lẽ đối diện một cửa hàng nhỏ bán đặc sản địa phương. Shinsuke có một người anh trai hơn năm tuổi, là nhân viên văn phòng của một nhà máy dệt. Anh ấy lấy vợ năm năm trước, có một đứa con bốn tuổi, một đứa một tuổi. Anh ấy cùng vợ, hai con và bố mẹ, tất cả sáu người đang sống ở căn nhà cũ kỹ đó.
Shinsuke lên Tokyo lúc mười tám tuổi. Anh đỗ vào một trường đại học dân lập ở Tokyo. Nói vậy nhưng kỳ thực là vì muốn lên Tokyo nên anh mới thi vào trường đó. Cũng chẳng có căn cứ nào khi lựa chọn ngành Xã hội học. Anh cũng thi vào vài trường khác nữa, nhưng ngành học thì lung tung lắm, nào là Văn học, nào là Thông tin, rồi Thương mại. Tóm lại, anh nghĩ rằng chỉ cần vào được đại học ở Tokyo thì trường nào cũng được.
Thế nên, lên được Tokyo rồi, anh chẳng có mục tiêu nào cụ thể. Anh linh cảm nhất định sẽ tìm được thứ gì đó nếu lên thành phố lớn. Đối với một thanh niên sinh ra ở quê, Tokyo là nơi sản sinh ra vô số cơ hội. Anh mang niềm tin rằng nếu có thể đầu tư cho một trong số cơ hội đó thì cánh cửa dẫn tới thành công sẽ mở ra trước mắt. Lúc đó, anh đâu biết là để tìm ra hạt mầm cơ hội đó cũng cần phải có một năng lực vượt trội hơn người.
Bố mẹ Shinsuke không phản đối việc anh đến Tokyo vì ông anh trai học trường công lập ra, ổn định chỗ làm trong một công ty ở quê rồi, bố mẹ cũng không phải lo lắng gì cho tuổi già nữa. Ông bà cũng khó xử khi cậu con trai thứ không được ngoan ngoãn như thằng cả. Từ đầu họ đã biết học lực của nó không đủ để vào được đại học giống thằng anh, dù có vào được trường hạng hai gần đó thì cũng chẳng có gì đảm bảo tương lai sau này. Cho anh đến Tokyo thì tạm thời bớt được một miệng ăn đã. Suy nghĩ muốn tống khứ anh đi của bố mẹ, Shinsuke phần nào hiểu được. Căn hộ một phòng rộng chưa đến chín mét vuông là tòa lâu đài riêng của anh. Từ đây, anh sẽ sải rộng đôi cánh để bay đi. Niềm hy vọng căng tràn lồng ngực rằng anh có thể làm được tất cả mọi việc, có thể thách thức mọi thứ.
Nhưng anh chỉ ôm giấc mộng viển vông đó trong một thời gian ngắn thôi. Hết năm đầu tiên, anh không còn mộng tưởng gì nữa. Đến Tokyo, bài tập đầu tiên đặt ra cho anh là phải tìm được mục tiêu cho mình, thế mà hiếm khi anh nhớ đến bài tập đó. Nhiều khi anh còn cố quên đi, vì cứ nhớ ra là thấy mình vô dụng. Thậm chí anh còn chẳng có thời gian tìm ra lý do. Tiền bố mẹ gửi chỉ đủ trả tiền nhà và tiền học. Thế nên bằng mọi giá phải đi làm thêm, thế là lại có những mối quan hệ mới, rồi lại tiêu kha khá tiền mỗi khi đi chơi. Muốn có tiền đi chơi thì phải làm thêm nhiều hơn. Đúng là cái vòng luẩn quẩn. Mà đấy cũng chỉ là lời ngụy biện thôi. Xung quanh anh có rất nhiều người kém may mắn hơn, những người phải cố gắng gấp mấy lần anh. Như cậu S sống cùng chung cư, hay gặp nhau dưới hàng ăn nên dần dà cả hai trở nên thân thiết. Cậu ta làm thêm công việc xây dựng đường sá, về nhà lúc rạng sáng, người lấm lem bùn đất, chỉ ngủ được một giấc độ bốn tiếng, lúc đấy lại phải cố cho kịp giờ học buổi chiều. Cậu ta sống theo guồng quay đó được hai năm rồi. Trước khi đi làm còn phải ở nhà học bài. S lúc nào cũng để râu lòa xòa trên mặt, câu nói cửa miệng của cậu ta là “Trên đời này thứ quý giá nhất là thời gian”.
“Thử nghĩ mà xem, có tiền thì làm gì cũng được, nhưng thời gian mất đi rồi không cách nào lấy lại. Dù giàu đến mức nào, cũng không lấy lại được tuổi trẻ. Nếu quỹ thời gian là vô hạn thì cái gì cũng có thể làm được. Nhân loại xây nên nền văn minh không phải bằng sức mạnh của tiền bạc mà là bằng sức mạnh của thời gian. Buồn một điều, quỹ thời gian của một người là hữu hạn. Một giờ lúc còn trẻ và một giờ lúc có tuổi có giá trị khác nhau. Thế nên nếu tớ lãng phí dù chỉ một giây thôi cũng thấy chán chết được ý.”
S học trường Cao đẳng Xây dựng, ba năm rồi anh chưa gặp cậu ta, nghe đâu đề tài khóa luận tốt nghiệp của cậu ta là “Phát triển mạng lưới đường sá ba tầng ở thành phố”. Cậu ta làm thêm ban đêm cũng không phải để kiếm tiền.
Nhưng Shinsuke không thể bắt chước S được. đây cũng là lời nói ngụy biện của anh thôi, nhưng khác với S, anh chẳng có hứng thú gì với ngành mình theo học. Ngay từ đầu, anh lựa chọn ngành đó không phải vì quan tâm hay yêu thích, nên chẳng muốn học hỏi kiến thức gì.
Đến cuối năm thứ hai, Shinsuke hầu như không đến trường nữa. Quán bar ở Roppongi mà anh làm việc là nơi anh dành nhiều thời gian nhất. Quán bar theo phong cách những năm sáu mươi, có đầy những đĩa nhạc của The Beatles hay Elvis Presley. Những khi vắng khách, Shinsuke lần lượt cho hết đĩa nhạc này đến đĩa nhạc khác vào máy nghe nhạc cũ để nghe. Không phải anh không nhận ra mình đang lãng phí thời gian, mà là lúc nào anh cũng sốt ruột phải nhanh chóng tìm ra thứ gì đó. Trước đó, anh cũng không hiểu nếu tìm thấy thì sẽ thế nào? Anh cứ mơ rằng vào một ngày không xa, thứ đó sẽ được nhân viên bưu điện chuyển đến trước mặt anh.
Anh không định thôi học đâu, dù trước đó mấy người quen của anh đã bỏ học hết rồi. Họ chắc phải có suy nghĩ riêng mới quyết định như vậy. Chẳng nói cũng biết, Shinsuke không có những suy nghĩ sâu xa như thế. Anh chuẩn bị tinh thần và quyết tâm sẵn rồi, chỉ chờ tìm thấy mục tiêu thôi.
Nhưng cuối cùng anh vẫn bỏ học. Dù không định thế nhưng thường xuyên vắng mặt, không đi thi thì không lên lớp được. Không lên lớp thì không ra nổi trường, cứ kéo dài mãi nên bị trường đuổi học thôi. Anh nghỉ học là vì thế. Anh cũng giấu bố mẹ ở Kanazawa một thời gian dài. Lúc bạn bè cùng lứa đi làm, anh mạnh miệng tuyên bố “Con đi làm bán thời gian một thời gian đã” rồi cũng không thèm về nhà.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở lúc anh hai mươi ba tuổi. Hình như phía nhà trường hỏi han bố mẹ anh điều gì đó. Giận điên người, bố mẹ anh lên tận Tokyo. Mặt bố đỏ gay, nói rằng giờ vẫn còn kịp nên đi học lại đi. Mẹ thì chỉ ngồi khóc bên cạnh.
Shinsuke bỏ ra khỏi phòng, hai ngày không thèm về. Quay về nhà vào ngày thứ ba, anh thấy trên bàn mẩu giấy viết nguệch ngoạc mấy chữ “Con giữ gìn sức khỏe, có gì thì gọi về cho bố mẹ”.
Shinsuke gặp Ejima Kouichi không lâu sau đó. Quán ở Roppongi mà Shinsuke đang làm sẽ đóng cửa, anh đang cuống quýt đọc quảng cáo tuyển người thì thấy cái tên quán Sirius. Điều thu hút anh là hai chữ Ginza. Đằng nào cũng làm ở quán rượu thì làm ở khu vực số một Nhật Bản là nhất.
Ông chủ quán Ejima đích thân phỏng vấn Shinsi. Shinsuke bị áp đảo bởi thần thái của ông ta. Từng lời nói, từng cử chỉ của ông ta đều được rèn giũa kỹ càng khiến anh phải thầm nghĩ đàn ông trưởng thành chính là đây.
Ejima cho anh mặc thử đồng phục của Sirius và tuyển anh với lý do “mặc trông rất hợp”. Lúc đó, Ejima nói: “Dù là người linh hoạt thế nào, cũng chỉ có ba điều chúng ta cần để tâm: một là cách vào bồn tắm, hai là cách chùi đít sau khi đi vệ sinh, ba là cách uống rượu.”
Shinsuke gật gù cảm phục, căng thẳng nói: “Tôi sẽ ghi nhớ.”
Từ đó, anh làm ở Sirius suốt sáu năm. Nếu không vì vụ tai nạn, chắc anh vẫn làm ở Sirius. Anh đã học hỏi được rất nhiều trong thời gian đó. Nói cụ thể thì đó là điều thú vị của ngành mua vui cho khách. Thêm nữa, trong lòng anh thầm nhen nhóm một ước ao mà suốt thời đại học chưa từng có. Nhưng đó chưa phải là thứ gì cụ thể. Anh biết chưa phải lúc suy nghĩ thực dụng về điều đó. Còn nhiều điều phải học lắm. Quan trọng hơn, cần có vốn.
Đó hẳn là suy nghĩ của Shinsuke trước khi gây ra tai nạn. Thế thì bây giờ có gì khác?
Trong một năm trở lại đây mình đã sống thế nào? Anh cố nhớ lại từng việc một. Nhưng khi hồi tưởng lại bản thân mình lúc đó, anh chỉ thấy một tấm mạng màu xám che phủ lên ký ức. Tấm mạng đó dày hơn anh tưởng nhiều.