Sáng hôm sau, tới văn phòng tôi nhận được hai thư nhắn. Bức thứ nhất: Ông Anderson nhắn anh gọi điện gấp. Bức thứ hai: Ông Benbolt nhắn anh gọi điện. Những điều mà Terry cho biết khiến tôi lo lắng. Tôi đang đứng trước bài toán lạ lùng. Johnny Jackson không tồn tại! Tất nhiên là tôi không thể chấp nhận theo Terry là anh ta không có mặt trên đời này được. Tôi cứ tự hỏi là Bêbê hay Phyllis nói dối tôi. Mà họ nói dối để làm gì mới được chứ? Cả hai đều kể rằng Johnny là một thằng đồng tính và nó cặp kè với một gã da đen. Thế mà Flossie lại khăng khăng không biết hai thằng đó.
Mà bằng chứng thì đây. Theo những điều tôi nghe được thì Johnny là thằng đồng tính mười mươi. Tất cả những người ở Searle đều nói nó là đứa ẻo lả và không thích con gái. Nếu điều đó không muốn nói rằng nó là pê-đê thì là gì nữa? Tôi nhấc máy gọi cho Anderson.
– Có tin mới cho anh đây, – cậu ta nói.
– Tin gì vậy?
– Tôi đã tìm được tung tích của khẩu Beretta được dùng để giết ông già Jackson.
– Cậu tìm bằng cách nào vậy?
– Như thường lệ tôi chỉ ngồi chơi xơi nước ở văn phòng mà. Nhưng khẩu súng cứ ám ảnh tôi, tôi bèn gọi điện cho tất cả đồn cảnh sát ở vùng biển này. Và rồi ở Jacksonville tôi đã gặp may. Họ nói rằng đã cấp giấy phép dùng khẩu súng đó sáu năm trước.
– Cho ai?
– Đây mới là điều đáng ngạc nhiên. Cho Harry Weatherspoon.
– Hoan hô Bill!
– Họ còn nói rằng hai năm trước, Weatherspoon có báo rằng khẩu súng đó đã bị mất cắp và cần phải hủy giấy phép đó.
– Nó bị mất cắp trong hoàn cảnh nào?
– Theo Weatherspoon thì có kẻ nào đó lẻn vào nhà máy lấy cắp tiền cùng với khẩu súng. Ông ta cũng nói với cảnh sát ở Jacksonville rằng cảnh sát trưởng Mason đang lo điều tra, nhưng vẫn xin hủy giấy phép.
– Thế ở đây có nhiều vụ bẻ khóa ăn trộm như vậy không, Bill?
– Không. Tôi chỉ biết có vụ đó, ngoài ra không có vụ nào khác.
– Nhưng tại sao Weatherspoon lại xin giấy phép ở tận Jacksonville?
– Tôi cũng đặt câu hỏi đó thì họ nói rằng Weatherspoon có thuê một căn hộ ở thành phố này một thời gian để tìm kiếm gì đó ở đây. Ông ta nói rằng cần khẩu súng để tự vệ. Weatherspoon giải thích với họ rằng ông ta là nhân viên của cơ quan phòng chống ma túy nên có rất nhiều kẻ thù. Và họ chấp nhận lời giải thích của ông ta.
– Cậu đã làm một việc tuyệt vời, Bill ạ! Điều này chắc chắn sẽ được đại tá Parnell đánh giá cao đấy.
– Tuyệt diệu! Anh có nghĩ rằng chính Weatherspoon giết ông già Jackson không?
– Đó là quan điểm của mình.
– Nhưng lạy Chúa, vì lý do gì mới được chứ?
– Mình đang đào bới vấn đề này. Khi nào sẽ tiến hành điều tra về cái chết của Weatherspoon?
– Hôm nay. Đám tang đã định vào ngày kia.
– Bác sĩ Steed vẫn khẳng định ông ta chết do tai nạn chứ?
– Tất nhiên rồi. (Anderson thở một hơi thật sâu). Thế không phải vậy sao?
Tôi không đáp.
– Hãy kể về khẩu súng đi, Bill. Bác sĩ Steed vẫn giữ nó chứ?
– Tôi nghĩ là vậy. Tôi không biết chính xác.
– Thế người ta đã lấy dấu tay chưa?
– Tôi rất muốn làm chuyện này nhưng bác sĩ Steed nói không cần.
– Thế cậu có biết đó đó đúng là khẩu súng bắn chết Jackson không?
– Chưa kiểm tra về mặt đạn đạo học, nếu đó là điều anh muốn hỏi.
– Lạy Chúa, lại thêm một cái lá nho nữa! Thôi được, chào Bill. – Tôi gác máy.
Sau đó tôi gọi điện cho văn phòng Howard và Benbolt. Không may lại gặp đúng mụ già thường trực. Nghe thấy tên tôi, bà ta bèn lên giọng trịch thượng.
– Ông ấy đi vắng rồi, – bà ta tuyên bố vẻ đắc chí.
– Ông ấy nhắn tôi gọi điện mà, – tôi cố kiên nhẫn.
– Ông ấy có để lại thư nhắn đây. Ông ấy muốn gặp anh vào lúc ba giờ chiều nay.
– Tôi sẽ tới, – tôi nói và gác máy.
Tôi lấy mấy bản báo cáo gửi đại tá ra đọc lại. Tôi thêm vào đó chi tiết Anderson vừa cho biết. Tôi đã hỏi chuyện tất cả mọi người liên quan trực tiếp hay gián tiếp với Johnny, chỉ trừ một người: Herbert Stobart. Cũng có thể ông ta chưa bao giờ nghe nói đến Johnny. Nhưng bây giờ tôi rất muốn nói chuyện với ông ta. Tôi đưa chị Glenda bản báo cáo thêm về cú điện thoại của Anderson và yêu cầu xếp chung với tập báo cáo tôi đã gửi trước đó.
– Anh định viết tiểu thuyết hả? – Chị ta hỏi bằng một giọng chế nhạo.
– Cũng là ý hay đấy! Thế mà tôi chưa nghĩ tới.
Tôi tới Câu lạc bộ Country, đỗ xe và đi lên tiền sảnh. Lúc đó khoảng mười một giờ mười.
Tôi tìm gặp Sammy Johson, người gác cửa, lúc đó đang soạn thư. Ông ta mỉm cười với tôi. Đại tá cũng không bao giờ quên ông vào những dịp Nôel và lễ Tạ Ơn. Vì ông ta như cái tai dán vào cửa, nên có ông ta trong tay áo là rất lợi hại.
– Chào Sammy, – tôi nói. – Trông ông ngày càng trẻ ra.
– Thì anh thấy đấy, – ông ta cười. – Có lẽ vậy, tôi cũng cảm thấy ngày càng trẻ ra.
– Ông Stobart có ở đây không?
– Ông ấy đang chơi golf. Chắc bây giờ đang ở lỗ mười bảy rồi.
– Tôi chưa bao giờ gặp, vậy làm thế nào nhận ra ông ta?
– Ông ấy sau khi chơi bao giờ cũng ngồi dưới hàng hiên bên dưới. Người nhỏ, đội chiếc mũ chơi bóng chày kẻ đỏ và trắng. Không lẫn vào đâu được.
– Cám ơn Sammy.
– Nếu anh muốn nói chuyện với ông ta thì không nên vào lúc này. Ông ta chơi golf để bàn việc với một ngài nào đó. Mà Stobart là người khó tính lắm.
– Một lần nữa cám ơn Sammy.
Tôi đi xuống hàng hiên bên dưới, thấy một chiếc bàn đứng biệt lập, tôi kéo chiếc ghế ngồi chờ đợi. Hai mươi phút sau, tôi thấy một người đội mũ chơi bóng chày kẻ sọc đỏ trắng. Ông ta vừa đi vừa nói chuyện với một gã nhỏ con, béo tròn và tôi nhận ra ngay đó là Edmundo Raiz. Tôi vội dịch nhanh ghế nấp kín hơn. Họ đi tới gần và ngồi cách tôi khoảng ba bàn.
Stobart ngồi quay lưng về phía tôi và Raiz ngồi xuống cạnh ông ta. Cả hai không ai nhìn về phía tôi.
Stobart bật ngón tay kêu đánh tách gọi người hầu bàn. Ông ta gọi bia, rồi nghiêng người ra phía trước tiếp tục nói chuyện với Raiz. Tôi thấy Raiz gật đầu lia lịa cứ như đang nhận mệnh lệnh. Tôi thất vọng không nhìn được rõ mặt Stobart, nhưng tôi kiên nhẫn đợi.
Người hầu bàn mang bia tới, Stobart ký hóa đơn, cho tiền boa và người hầu bàn lùi ra. Tôi thấy Stobart rút túi ra cái gì đó, mở ra rồi lấy bút viết. Tôi nhổm người nhìn và thấy ông ta đang viết séc. Viết xong ông đưa cho Raiz. Raiz cầm ngay lấy và đút nhanh vào ví.
– Tốt lắm, Ed, – Stobart nói cao giọng. – Hãy lên đường đi. Nhớ đổi ra tiền mặt và giải quyết gọn vụ này.
– Vâng, thưa ông Stobart. Ngay khi có tin, tôi sẽ gọi ngay cho ông.
– Đừng có đánh trượt đấy, nhớ chưa, Ed. – Stobart gắt.
– Ông cứ tin ở tôi, ông Stobart ạ.
Nói rồi hắn đi ngang qua hàng hiên và biến mất.
Rồi ông ta đứng dậy đi nhanh tới bậc thang dẫn lên hàng hiên trên. Tôi vội bám theo, nhưng giữ khoảng cách đủ xa, nên vẫn nhìn thấy lưng ông ta.
Trong gian tiền sảnh, ông ta mua một tờ Paradise City Herald ở quầy báo. Tôi chọn chỗ đứng ngay cạnh chiếc cửa quay nhìn ra hàng hiên phía trước. Bên dưới là chiếc Rolls sơn hai màu be và nâu. Một gã da đen lực lưỡng đứng đợi sẵn. Tôi nhận ra gã: đó chính là tên dọa tôi khi tôi từ nhà Hank Smith đi ra. Hốt hoảng, tôi lùi lại và xô phải Stobart đang đi ra cửa.
– Say hả? – Ông ta lầu bầu và nhìn tôi.
Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và tôi sững sờ. Người đứng trước mặt tôi có hai con mắt sát nhau, cái miệng gần như không có môi và một vết sẹo chạy dài từ mắt phải tới cằm. Ông ta gạt tôi sang một bên rồi ra cửa. Thằng khỉ đột mở cửa xe, Stobart ngồi vào và chiếc xe phóng vụt đi.
Tôi đứng nhìn cho tới khi chiếc xe đi khuất. Bây giờ thì tôi biết Herbert Stobart chính là thằng bạn thân thiết của Mitch Jackson. Hắn chính là Syd Watkins!