Vụ Giết Người Bí Ẩn

Chương 19



Tôi gặp Benbolt ở văn phòng của ông.

Ông bắt tay tôi và vồn vã mời ngồi.

– Tôi vừa từ Searle về xong, – ông nói. – Do có người yêu cầu mua nhà máy nên tôi nghĩ rằng đã đến lúc nói với cô Peggy Wyatt. (Ông ta cười vẻ đểu giả). Cô bé hấp dẫn đấy chứ nhỉ? Lại còn gặp may nữa!

– Ai yêu cầu mua vậy?

– Ông thấy đấy, đã xảy ra quá nhiều chuyện. Bản di chúc của Weatherspoon thì không có vấn đề gì. Ông Seiler thuộc công ty Seiler đã gặp tôi và đưa một đề nghị khá hấp dẫn đối với nhà máy. Vì quyền lợi của cô Wyatt tôi buộc phải xem xét đề nghị này. Sáng nay tôi cho cô ta biết và cô ta đã chấp nhận bán.

– Người ta trả bao nhiêu?

Benbolt xoa chiếc cằm.

– Một số tiền rất lớn.

– Này ông Benbolt, bí mật nghề nghiệp của ông chẳng có nghĩa lý gì với tôi. – Tôi nói bằng giọng gay gắt. – Tôi đã nói với ông rồi, kẻ mua nhà máy sẽ là một tên buôn bán ma túy. Ông ta trả bao nhiêu?

– Thì tôi đã nói với ông rồi. – Đôi mắt ti hí của ông ta tối sầm lại. – Còn chuyện kia tôi cũng chỉ mới nghe ông nói thôi.

– Rồi ông sẽ phải đương đầu với các nhân viên cơ quan phòng chống ma túy. Mà họ không phải là những kẻ nhẹ tay đâu. Người ta trả bao nhiêu?

– Nếu cần, tôi sẽ làm việc thẳng với họ chứ không phải ông, ông Wallace ạ.

– Ai sẽ là người mua?

Ông ta ngả lưng ra ghế, gương mặt đầy vẻ thù địch.

– Ông Wallace ạ, nhiệm vụ của ông là tìm kiếm Johnny cơ mà. Liệu chúng ta có nên chỉ dừng ở đây thôi, được không?

Tôi chằm chằm nhìn ông ta.

– Ông muốn nói rằng ông từ chối hợp tác?

– Tôi chẳng có lý do gì phải cộng tác với một thám tử tư cả. Ông đã nói rằng nhà máy đóng hộp ếch bán ma túy. Tôi đã kiểm tra nhà máy và không thấy có gì chứng tỏ nó có những hoạt động khác với nhiệm vụ thực tế của nó. Đó chỉ là một doanh nghiệp phát đạt nhờ chuyên cung cấp đùi ếch cho các khách sạn lớn. Nếu việc bán nhà máy bị chậm trễ, các khách sạn sẽ bị mất khách và họ có thể sẽ tìm nguồn cung cấp khác. Khi đó công nhân có tay nghề sẽ bị thất nghiệp. Tất cả chỉ bởi vì những phỏng đoán không có căn cứ của ông cho rằng nhà máy có liên kết với bọn buôn bán ma túy. (Ông ta giơ tay xem đồng hồ). Tôi đề nghị ông đừng quấy rầy tôi nữa. Tôi không muốn mất thời gian vô ích với ông.

Tôi đứng dậy.

– Họ đã đút cho ông bao nhiêu, ông Benbolt?

Gương mặt ông ta bừng bừng sát khí.

– Cút ra khỏi văn phòng tôi ngay!

– Bình tĩnh nào, đừng có làm ra vẻ vô tư nữa đi, đồ khốn kiếp! – Tôi nói. – Rồi chúng ta sẽ gặp nhau ở tòa.

Nói xong, tôi hầm hầm bước ra ngoài.

Tôi quyết định phải liên lạc ngay với Peggy. Có cả một dãy cabin điện thoại ở gian tiền sảnh. Tôi tìm số phone của khách sạn Jumping Frog. Người nhấc máy là ông Abraham.

– Peggy có ở đó không, bác Abraham? Tôi đây, Wallace đây mà.

– Không. Cô ấy đi vắng rồi, Wallace ạ.

– Cô ấy đi đâu?

– Tôi nghĩ là đến nhà máy. Anh đã biết tin vui chưa? Bây giờ cô ấy là bà chủ ở đó rồi.

– Có, tôi biết rồi. Cám ơn bác. (Tôi gác máy).

Từ Paradise City tới Searle mất hơn hai giờ xe hơi. Và trong hai giờ đó nhiều chuyện có thể xảy ra. Dù sao tôi cũng thấy bứt rứt không yên và mỗi khi rơi vào trạng thái đó tôi luôn phải hành động.

Tôi gọi điện đến đồn cảnh sát Searle. Anderson nhấc máy.

– Bill, mình nhờ cậu một việc. Cậu hãy đến ngay nhà máy đóng hộp ếch xem Peggy có ở đó không và có chuyện gì xảy ra với cô ấy không.

– Có chuyện gì xảy ra với Peggy à? – Anderson hỏi vẻ ngạc nhiên. – Ý anh muốn nói gì? Anh biết tin gì chưa? Cô ấy vừa mới được thừa kế, Weatherspoon đã…

– Mình biết rồi. Hãy tới nhà máy xem cô ấy làm gì ở đó. Mình đang gọi điện cho cậu từ một cabin điện thoại, số đây. (Tôi đọc số cho Anderson). Cậu ghi xong chưa?

– Rồi. Nhưng có chuyện gì vậy?

– Đi ngay đi. Hãy nói chuyện với cô ấy, chúc mừng cô ấy và nếu thấy mọi chuyện ổn cả thì gọi điện ngay cho mình. Mình sẽ đợi.

– Đồng ý. Có thể anh phải đợi hơi lâu đấy.

– Mình sẽ chờ. Thôi, đi nhanh lên.

Tôi ngồi ở tiền sảnh, cạnh dãy cabin điện thoại, châm thuốc hút và nghĩ về Benbolt.

Tôi tin rằng người ta đã mua được hắn. Chắc Seiler đã đút cho hắn để đảm bảo nhà máy sẽ được bán. Liệu hắn có biết những chuyện đã xảy ra ở nhà máy không nhỉ?

Cuối cùng, sau bốn mươi phút chờ đợi và đốt tới sáu điếu thuốc, tôi nghe tiếng chuông điện thoại trong cabin. Tôi vội nhấc máy.

– Anh Dirk hả?

– Mình đây. Có chuyện gì không?

– Tại sao anh cứ cuống lên thế? Tôi đã đi bộ tới nhà máy. Peggy cũng có ở đó. Cô ta đang phát điên lên vì sung sướng. Tôi vừa mới cất lời chúc mừng thì cô ta đã ngắt lời ngay: “Không phải bây giờ, Bill. Sau này hẵng hay. Tôi đang bận lắm”. Rồi cô ta đóng sập cửa ngay trước mũi tôi.

– Chỉ có thế thôi à?

– Thế thôi. Anh sợ cái gì mới được chứ?

– Cô ta đang bận việc à? Có ai ở đó với cô ta không?

– Có. Qua cửa sổ văn phòng tôi thấy có một gã có vẻ như người Mêhicô.

– Mẹ kiếp! – Tôi nói rồi gác máy.

Tôi chạy ngay tới chỗ đỗ xe.

Khi tôi tới nơi, tôi thấy một thằng bé tóc vàng chừng mười hai tuổi đang đứng cạnh xe.

– Xe chú bị xịt lốp rồi, – nó nói. – Cháu thấy một gã thọc dao vào lốp.

Tôi nhìn xuống bánh xe trước. Lốp đã bị xẹp chẳng còn tí hơi nào.

– Nó nhìn thế nào? – Tôi hỏi.

– Một gã da đen đội chiếc mũ lớn màu đen. Hắn đeo cả một tá dây chuyền và hôi hám lắm.

Lại thằng khốn kiếp đó.

Tôi lấy lốp dự phòng ra thaỵ Hàng năm nay có xảy ra chuyện này bao giờ đâu. Sau khi thấy tôi loay hoay một lúc, thằng bé nói:

– Chú lắp sai rồi. Để cháu làm cho.

Thằng bé thay chiếc lốp chỉ trong mười phút. Tôi phải mất hơn nửa giờ nữa mới tới được đó.

– Cháu tên gì? – Tôi hỏi trong khi đặt chiếc lốp xịt vào trong cốp.

– Wes Bridley.

– Nếu một ngày nào đó cháu muốn trở thành thám tử tư, hãy tới gặp chú ở hãng Parnell. Chú sẽ giúp cháu vào làm trong đó. (Rồi tôi đưa cho thằng bé năm đôla).

– Cháu mà làm thám tử đấy à? Đâu có hay ho gì. (Nó nhăn mũi). Cháu thích làm chủ nhà băng kia.

Tôi ngồi vào xe, giơ tay chào nó, rồi phóng thẳng về Searle. Tôi đi theo con đường ven biển và cố giữ không vượt quá tốc độ cho phép cho tới tận Fort Pierce, từ đây tôi đi ra quốc lộ 8. Đoạn đường tới Fort Pierce rất đông xe cộ và tôi tin rằng Raiz đã ra lệnh cho thằng nhọ đó làm chậm thêm hành trình của tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn lái thận trọng không vượt quá sáu mươi cây số một giờ để không cho cảnh sát làm chậm trễ tôi hơn. Trên quốc lộ 8, xe cộ vắng hơn và tôi đã liều chạy tới hơn chín mươi cây số giờ.

Tôi cố không nghĩ tới Peggy. Tôi nhớ Stobart đã trao cho Raiz một tấm séc và nói với anh ta đổi ra tiền mặt. Lóa mắt trước cả đống tiền mà Raiz mời mọc, giờ này chắc Raiz đã thuyết phục được Peggy bán nhà máy mất rồi.

Cách hồ Placid khoảng chục cây số, tôi chợt thấy một chiếc xe chở đầy cam chạy bám theo tôi chừng mấy mét. Giờ tôi mới nhớ rằng thực ra nó đã theo tôi một thời gian rồi. Có lẽ vì lúc nào cũng có hàng chục xe tải chở rau quả chạy trên quốc lộ nên tôi đã không để ý. Nhưng tôi chạy với tốc độ cả trăm cây số giờ vẫn thấy nó bám theo sát.

Phía trước, con đường thẳng băng, hai bên là cây cối và các rãnh thoát nước. Tôi quyết định cắt đuôi và nhấn ga hết cỡ. Chiếc xe của tôi vọt lên và đạt tới tốc độ một trăm hai mươi cây số giờ. Tôi liếc mắt nhìn qua gương hậu thấy chiếc xe tải đã bị bỏ lại phía sau. Tôi đã cách nó vài trăm mét, nhưng không thể tiếp tục duy trì tốc độ này mãi được. Rất nhiều xe tải chạy ngược chiều và tôi chợt thấy ngay trước mặt một chiếc xe tải hai mươi tấn, chất đầy rau quả, đang ì ạch chạy như rùa. Tôi đạp hờ phanh và chờ cơ hội vượt lên. Nhưng xe chạy ngược chiều mỗi lúc một đông và qua gương hậu tôi thấy chiếc xe tải chở cam chỉ còn cách tôi vài mét.

Đó là một chiếc xe loại nhỏ mang biển số Miami. Kính chắn gió màu xanh không cho phép tôi nhìn rõ mặt người lái. Thấy có thể vượt lên, tôi nhấn ga. Tôi rất sợ sẽ bị ép ở bên phải. Một chiếc xe con phóng rất nhanh vừa khẽ đánh tay lái đã suýt đâm phải tôi. Tôi chỉ kịp nghe thấy tiếng còi, chiếc xe đã mất hút ở phía trước.

Tôi rất cố gắng giữ bình tĩnh. Qua gương chiếu hậu tôi lại thấy chiếc xe cam chỉ cách tôi vài mét. Mà tôi đang chạy với tốc độ một trăm hai mươi cây số giờ chứ ít đâu. Tôi chợt thấy một cánh tay đen đặt trên thành cửa của chiếc xe tải.

Lại một thằng đen! Bên phải tôi lúc đó là một hào sâu, sau đó là hàng cây. Đường hào này dùng thoát nước vào mùa mưa. Tôi lại nhìn qua gương hậu. Chiếc xe tải đã biến mất lúc nào! Toát mồ hôi , tôi liếc mắt sang trái. Chiếc xe tải khốn kiếp ở ngay cạnh tôi. Cabin quá cao nên tôi không nhìn được người lái. Tôi hiểu ngay nó sẽ ép xe và cho tôi lăn xuống hào.

Linh tính mách bảo tôi nhấn ga, nhưng đây không phải chiếc xe tải bình thường. Nó có thể chạy nhanh không kém gì tôi. Tôi đạp phanh và đè mạnh hai tay lên vô lăng để bánh sau không bị trượt.

May mà phanh tôi còn tốt. Tôi thấy chiếc xe tải vọt lên trước. Cái chắn va sau của nó quệt vào cái chắn va trước của tôi. Chiếc xe của tôi quặt về phía đường hào. Nhờ đè tay lái thật lực, tôi đã làm cho chiếc xe không lao xuống đó.

Nhưng số phận chiếc xe tải không được may mắn như thế. Mải hất tôi xuống hào, tên lái xe không để ý phía trước. Đúng lúc đó có chiếc xe tải cỡ lớn lao tới. Gã lái xe vội quặt tay lái và chiếc xe đâm xuống hào. Tiếng kim loại vặn gãy tạo ra những âm thanh chát chúa.

Tôi dừng xe và bước xuống. Chiếc xe hai mươi tấn cũng vừa tới và dừng lại. Cả dòng xe phía sau tắc nghẽn. Cánh lái xe tải đều xuống xe. Họ cùng với tôi đi tới chiếc xe bị lật. Chúng tôi nhìn vào cabin xe. Đầu hai thằng nhọ đều bị đâm qua kính chắn gió, trông đến sợ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.