– Hạ nghĩ gì vậy?
– À, nghĩ về những kẻ đi mua lấy sự cô độc.
– Gì cơ?
– Không, Hạ đùa thôi!
– Chẳng qua Hạ chưa nghĩ hết cái gọi là ma lực của đồng tiền.
Tôi không giấu được vẻ sửng sốt:
– Duy nghĩ thế à?
– Ừ! Nhưng cũng cần phải có một chỗ dựa. Tôi quay ra phía bờ sông, nhìn những con thuyền lênh đênh dật dờ trên sóng nước. Có những nỗi buồn ập đến mà không phân tích được là vì gì!
Đã cuối thu. Lá trong vườn rụng nhiều. Mỗi sáng, ông lão ra vườn từ tờ mờ sớm, nhặt từng chiếc lá gom lại thành đống. Mùi khói bay xộc vào phòng và tiếng gậy lộc cộc đã trở thành thói quen đánh thức tôi dậy. Một ngày mới lại đến.
Duy đến bất ngờ vào một buổi sáng chớm đông. Tôi đưa Duy đi dạo quanh khu vườn. Cái se lạnh của từng cơn gió cuối đông mơn man. Phảng phất đâu đó mùi hương hoa cỏ nồng nồng, ngái ngái. Tôi nhét hai tay vào túi áo khoác rộng thùng thình, tự hỏi từ bao giờ tôi có cảm giác bình yên khi bên Duy như thế này. Nhớ có lần Duy bảo: “Những người nào cứ mải miết đi tìm hạnh phúc thì chỉ gặp bất hạnh mà thôi. Bởi vì hạnh phúc không có thật, mà nếu có thật đi nữa cũng mong manh lắm, dễ vỡ lắm!”. Duy đứng lại, hai bàn tay đan xen vào nhau, vẻ khó khăn khi phải diễn đạt điều gì đó. Tôi chưa từng thấy Duy như thế:
– Thực ra, Duy đến đây vì… Ông chủ mở xưởng vẽ mới… Ổng… ổng… con gái ổng…
Duy cố gắng lắm, câu chữ vẫn cứ lộn xộn khi thoát ra khỏi miệng. Tôi sửng sốt giống như một luồng điện vừa chạy khắp cơ thể, nhưng cũng kịp trấn an:
– Hạ hiểu rồi!
– Hạ không buồn chứ?
– Không!
Tôi nói nhanh rồi quay đi vội vã. Nếu tôi nói tôi buồn thì sao nhỉ? Duy có bỏ được ma lực của đồng tiền để trở về với tôi không? Mà cớ gì tôi phải nghĩ vậy khi tôi và Duy, ngay cả cái nắm tay e dè cũng chưa có? Con gái thường thế, chưa là gì của nhau nhưng vẫn không muốn người kia thuộc về người khác. Trong tôi tràn dâng lên nỗi hụt hẫng, lớn hơn hẳn nỗi buồn. Tôi nghĩ đến ngày Duy trở thành ông chủ của xưởng vẽ đứng bên cạnh cô vợ xinh đẹp nhưng chỉ biết cười. Rồi những năm tháng cô quạnh tuổi già, có như ông lão, mỗi sáng đi lượm từng chiếc lá nằm đơn độc gom lại thành đống, đốt lên để tìm chút ấm áp… Bây giờ, tôi thèm đến cháy bỏng được nghe giọng nói và nụ cười thân thiện của Duy khi chìa ra bức tranh: “Là bạn đấy!”.
Nhìn mớ đồ đã được xếp gọn, giọng chị giúp việc thảng thốt:
– Có gì phiền hà đến em hả?
– Dạ không, em chuyển chỗ làm mới, xa hơn, đi về bất tiện. Chị gởi lời chào ông hộ em, nói cho em cảm ơn ông nhiều. Cả chị nữa.
Tôi ôm hôn chị thật vội rồi quay đi. Màn đêm đã phủ dày, sương giăng kín cả khu vườn. Tất cả lùi xa dần. Chỉ một điều làm tôi day dứt là chưa một lần tôi bỏ ra chút thời gian để trò chuyện cùng ông dù tôi thừa biết nó sẽ làm vơi bớt trong ông bao nhiêu nỗi cô quạnh…
Nơi ấy, mùa xuân đã đi qua
– Hân, Hân ơi!
Hạ ùa vào nhanh như một cơn gió, trên tay cầm tờ báo học trò mới ra. Nhìn nét mặt tươi tắn của nhỏ, Hân đoán ngay ra niềm vui gói trọn trong tờ báo xinh xắn quen thuộc ấy. Từ xa, Hân cũng hét lên:
– Có bài được đăng hả nhỏ?
– Không, Hạ đoạt giải. Giải B, không có giải A nhé!
Hạ sung sướng ôm chầm lấy bạn, tưởng như bao nhiêu niềm vui trên thế gian này gom lại, đọng trên đôi mắt sáng ngời của nhỏ. Hân lướt vội qua trang báo. Đúng rồi, tên Hạ nằm ngay hàng thứ hai. Kế đến là hàng thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm,… thứ mười. Mắt Hân thoáng chút buồn. Hạ không phải là đứa vô tâm, lại hiểu Hân hơn bất cứ ai. Nó nhìn sâu vào mắt Hân, giọng chân tình:
– Hân đừng buồn, mình còn nhiều cơ hội phía trước mà. Lần này chưa được …
– Ừ, mình không nản đâu.
Niềm vui trở lại, long lanh trong mắt đôi bạn. Tưởng như cả nắng cũng đang vui mừng, nhảy nhót bên khóm tường vi ngoài kia. Vui quá đi mất, Hạ cứ muốn hét lên thật lớn ọi người biết mình đang hạnh phúc như thế nào. Nhưng bên cạnh đã có Hân rồi, chỉ một mình Hân thôi cũng đủ cho niềm vui tăng lên gấp đôi.